Khả năng cách ly xã hội giảm nếu người dân, hệ thống cùng sẵn sàng chống dịch
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:25, 30/07/2020
Tối 29.7, TP.HCM tổ chức buổi họp báo công bố tình hình dịch COVID-19 và công tác ứng phó của thành phố.
Chia sẻ thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) cho biết TP.HCM vẫn thường xuyên giám sát đối với trường hợp nhập cảnh, những chuyến bay đưa người Việt Nam về nước, các nhà ngoại giao, chuyên gia...
Với những trường hợp nhập cảnh trái phép, từ đầu mùa dịch, thành phố đã phát hiện 29 trường hợp nhập cảnh trái phép. Các trường hợp này đã được đưa đi cách ly xét nghiệm và rất may chưa phát trường hợp nào dương tính. Chiều 29.7, TP.HCM tiếp tục phát hiện 11 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại một chung cư ở quận Bình Thạnh. Các lực lượng chức năng đã phối hợp xử lý, đưa đi cách ly.
Cùng với đó, ngành y tế cũng thực hiện giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu bệnh nhân có triệu chứng cúm, viêm phổi… sẽ được giám sát lấy mẫu đánh giá xem có nguy cơ hay không.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) tại buổi họp báo - Ảnh: HMC
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói rằng hiện nay, trên địa bàn TP.HCM và cả nước thực hiện giám sát chặt chẽ những người từ Đà Nẵng về để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Các trường hợp này từ Đà Nẵng về thành phố được phân loại để xử lý y tế. Tính đến sáng sớm 29.7, đã có gần 6.000 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm, 9.000 trường hợp khai báo y tế.
Đề cập đến số người rời Đà Nẵng vào TP.HCM, ông Dũng nói không thể biết chính xác con số là bao nhiêu. Còn con số hiện tại (18.000 người) là dựa vào lượng người khai báo ở sân bay, nhưng với những người đi bằng đường bộ, tàu lửa thì không thể biết. Do đó, lãnh đạo TP.HCM kêu gọi sự tự giác của người dân và cộng đồng cùng tham gia.
“TP.HCM chưa đến mức đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà. Người dân thành phố đang tăng cường ý thức giám sát và thông báo cho cơ quan y tế. Trên cổng điện tử thường nhận được tin của người dân thông báo trường hợp từ Đà Nẵng về nhưng không khai báo”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, trả lời về năng lực xét nghiệm của TP.HCM, đại diện HCDC cho biết tại thành phố đang có 13 đơn vị có khả năng làm xét nghiệm COVID-19, trong đó có 5 bệnh viện thuộc Sở Y tế. Các đơn vị này có thể thực hiện 2.000 mẫu/ngày. Khi cần thiết tăng ca làm có thể lên 3.000 mẫu/ngày. Chưa kể, Viện Pasteur còn có thể hỗ trợ TP.HCM thực hiện 1.500 mẫu/ngày. Như vậy, năng lực xét nghiệm của thành phố có thể đáp ứng ứng yêu cầu giám sát phát hiện các ca bệnh.
Còn về năng lực điều trị, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin thành phố hiện có 47 bệnh viện có khu cách ly điều trị. Cạnh đó, thành phố còn có 2 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 là Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ với quy mô khoảng 500 giường bệnh. Việc điều trị đang được ngành y tế chuẩn bị rất chủ động.
Đáng chú ý, đề cập đến việc TP.HCM có khả năng phải cách ly xã hội hay không, ông Thượng nòi rằng nếu cả hệ thống y tế và người dân cùng sẵn sàng tham gia kiểm dịch thì khả năng phải cách ly xã hội sẽ giảm đi. Vì vậy, TP.HCM sẽ làm quyết liệt công tác phòng chống dịch COVID-19, nơi nào xác định có người nhiễm F1, F2 đều phải được cách ly triệt để theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng cho rằng một trong những yếu tố quyết định thành công trong công tác phòng dịch COVID-19 là từng người dân, từng doanh nghiệp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện phải phòng ngừa sớm, phát hiện kịp thời, cách ly triệt để bên cạnh thực hiện phương châm 5 tại chỗ.
“Mọi người cần bình tĩnh, không chủ quan và phải có trách nhiệm với bản thân, mọi người trong công tác phòng chống dịch”, ông Thượng nói.
Phan Diệu