Lá thư tay cảm động của người thân 1 bệnh nhân gửi cho bệnh viện
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:45, 05/07/2018
Sau đây là nguyên văn 1 bức thư cám ơn các y bác sĩ mà người thân 1 bệnh nhân gửi đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, sau khi rời bệnh viện. Một Thế Giới xin đăng nguyên văn lá thư tay hiếm hoi, khá cảm động, còn lại trong thời buổi kỹ thuật số này…
“Thư cảm ơn
Tôi là Phạm Thị Thu T., con của bệnh nhân Nguyễn Thị T. Trong những ngày nuôi bệnh tại khoa Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), tôi rất cảm kích tấm lòng của bác sĩ của khoa.
Hình ảnh ấn tượng, để lại tình cảm cao đẹp trong tôi là giây phút bác sĩ Dũng chạy từ phòng mổ vụt qua sau khi vừa phẫu thuật cho 1 bệnh nhân. Tôi cảm nhận chắc có ca cấp cứu nào đó, bác sĩ mới vội vàng bỏ chiếc áo khoác mổ chạy đi. Có ai cứ bảo thời nay không ít bác sĩ sẽ bỏ quên lời thề khi bước vào nghề, vô cảm trước nỗi đau, sự an nguy của bệnh nhân? Nhưng nhìn cử chỉ, hành động vội vàng, hớt hãi của vị bác sĩ, tôi thấy lòng mình ấm áp vô cùng.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ- Ảnh: Nguyễn Hồ
Tôi và gia đình thật may mắn khi được bác sĩ trực tiếp làm phẫu thuật cho mẹ. Hiện sức khỏe mẹ tôi đã ổn định. Tôi biết ơn vô cùng. Khi chờ đợi mổ, bác sĩ từ chỗ cấp cứu (tôi đoán) vẫn nguyên bộ đồ mổ lại gần mẹ tôi nói: “Cụ có đói không, có mệt không, để bác sĩ bắt mạch cho cụ”. Cử chỉ ân cần ấy làm mẹ tôi “lên dây cót” tinh thần dù trước đó bà rất sợ.
Mẹ cười với sức mạnh tinh thần mà vị bác sĩ đáng kính đã truyền cho mẹ. Cảm ơn bác sĩ, cảm ơn tập thể khoa Can thiệp tim mạch đã có những con người đáng kính.
Tôi thật có lỗi khi không biết tên người điều dưỡng chiều 29.6 ấy với nước da trắng, khuôn mặt bụ bẫm, hiền lành, thật dễ dương. Mẹ tôi kể trong cơn đau cụ rên, cậu điều dưỡng nhẹ nhàng: “Ngoại, ngoại ráng cố gắng, con làm nhẹ ngoại không đau đâu”. Những cử chỉ, thái độ thân thiện đẹp ấy nhiều khi không ai nói ra.
Bức thư cảm ơn làm ấm lòng các y bác sĩ- Ảnh: Nguyễn Hồ
Nhưng theo dõi trên các mặt báo, truyền hình, chúng ta vẫn thường gặp các tin về bác sĩ, điều dưỡng vô cảm làm khó bệnh nhân, vòi vĩnh phong bì. Cách truyền thông ấy vô hình trung làm xã hội và người dân hoang mang. Họ nghĩ “đâu còn hình ảnh: lương y như từ mẫu”.
Tôi thiết nghĩ, các nhà báo hãy bớt chút thời gian, hãy có con mắt nhìn đa chiều và rất cần đến khoa Tim mạch can thiệp viết về những tấm gương sáng, bình dị giữa đời thường.
Sáng nay, vẫn với phong thái điềm đạm, giọng nói ấm áp, bác sĩ Dũng lại tư vấn cho bệnh nhân về bệnh tật, chế độ ăn uống, sinh hoạt. Tôi thật may mắn khi được gặp người thầy thuốc của nhân dân.
Cần Thơ 2.7.2018
Người viết
Phạm Thị Thu T.”