Du lịch Huế - Bài 3: Những hình ảnh không đẹp dưới mắt du khách
Du lịch - Ngày đăng : 09:56, 08/07/2018
>>Du lịch Huế - Bài 1: Những gam màu chưa chịu sáng
>>Du lịch Huế - Bài 2: Sông Hương bao giờ mới được xướng danh?
Trong bài viết trước Du lịch Huế - Bài 2: Sông Hương bao giờ mới được xướng danh? Chúng tôi đã đề cập đến việc Sông Hương cho đến nay vẫn chưa được đề cử để lên Unesco để được công nhận là di sản quan thiên nhiên và liên quan đến sự xuống cấp của Hồ Tịnh Tâm là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến một số vấn đề sẽ không để lại những thiện cảm và thuận lợi cho du khách khi đến Huế du lịch theo đúng nghĩa của “du lịch xanh”
Cơ sở hạ tầng và cảnh quan
Một trong những vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển du lịch đó là cơ sở hạ tầng đường xá và những nơi đưa đón khách du lịch như sân bay, nhà ga,…
Cảng hàng không quốc tếPhú Bài hiện tại được thiết kế với công suất 1,5 triệu hành khách/năm, nhưng đến năm 2017 lượng khách thông qua cảng đã đạt 1,75 triệu hành khách. Trong giai đoạn 2014-2017, tốc độ tăng trưởng trung bình hành khách trong giai đoạn đạt 15%/năm. Và theo dự báo, đến năm 2020 lượng hành khách qua cảng sẽ đạt 3-3,5 triệu và đến năm 2025 sẽ đạt 6,5-7 triệu hành khách/năm. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng, nhà ga phục vụ khách quốc tế chưa có, phải xen ghép bố trí cùng nhà ga nội địa. Có thể thấy đây là một cản trở lớn cho ngành du lịch Huế trong việc vận chuyển và phục vụ cho du khách khi sử dụng phương tiện hàng không.
Các phương tiện vận chuyển khác như bến xe, nhà ga…vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề và ảnh hưởng rất lớn cho khách du lịch trong công tác quản lý và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, thái độ phục vụ, chèo kéo, móc túi…vẫn còn xuất hiện ở một số nơi thì đó là một ấn tượng xấu trong lòng du khách.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng đang gặp phải một số vấn đề trên các tuyến đường ở quốc lộ 1A đoạn qua Phú Lộc trong mùa mưa dẫn đến tình trạng giao thông bị tê liệt hay quốc lộ 49A có nhiều điểm sụt lún nghiêm trọng…trong mùa đông vừa qua cũng là một vấn đề ảnh hưởng cho ngành du lịch Huế.
Ngoài ra, cửa ngõ vào TP Huế cần được mở rộng và chỉnh trang đô thị một các hài hòa. Hiện nay, tại một số nơi ở các cửa ngõ vào thành phố Huế và nội thành Huế, tuy có khắc phục nhưng vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi và môi trường thiên nhiên, ao hồ bị ô nhiễm trong nội thành Huế vẫn chưa được xử lý một cách triệt để và chưa có giải pháp khắc phục một cách hiệu quả.
Thái độ ứng xử với khách du lịch
Việc xây dựng và hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện của những người hoạt động liên quan đến ngành du lịch là cần thiết, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến Huế, nhất là trong bối cảnh Huế muốn xây dựng du lịch xanh theo đúng nghĩa. Thế nhưng, vẫn có không ít trường hợp ứng xử kém văn minh khiến du khách không những không thiện cảm mà vấn đề nghiêm trọng hơn là “không hẹn gặp lại” chắc chắn sẽ xảy ra nếu không có những biện pháp, chế tài và công cụ giám sát tức thời, hiệu quả.
Một trong những thú vui và hào hứng của khách du lịch khi đến Huế là được dạo quanh các tuyến phố bằng phương tiện xích lô để được ngắm cảnh đẹp của xứ sở thần kinh. Đây là một loại hình du lịch mà dặc biệt du khách nước ngoài rất thích thú.
Trên địa bàn TP. Huế có hơn 2.000 xích lô hoạt động, trong đó lực lượng tham gia Nghiệp đoàn xích lô - xe thồ chỉ khoảng hơn 350 chiếc, một số ít xích lô do các đơn vị du lịch khai thác. Việc phát triển mô hình này lành mạnh, giới thiệu cho du khách đến với những phố phường của đất kinh kỳ và cũng mang lại thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, việc quản lý loại hình này vẫn chưa tốt nên thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều hình ảnh xấu như việc chặt chém, chèo kéo, ép buộc khách và cũng chưa có biện pháp bảo vệ khách khi sử dụng loại hình này khi gặp tình trạng trên.
Chợ Đông Ba vẫn chặt chém, chửi bới, móc túi…
Là ngôi chợ lớn nhất Huế vẫn tồn tại nạn hét giá, chặt chém và móc túi... Là một trong những biểu tượng đặc trưng của Huế nên chợ Đông Ba là địa điểm tham quan không thể thiếu của du khách khi đến cố đô. Theo thống kê, hiện mỗi ngày chợ Đông Ba thu hút khoảng 10.000 người đến mua sắm, tham quan, trong đó khoảng 20% là du khách đến từ Thái Lan, Lào, Úc và các nước Châu Âu.
Thông thường những khu mua sắm dành cho du khách thì vấn đề an ninh phải được đặt lên hàng đầu. Giá cả từng mặt hàng phải được niêm yết cụ thể và phải có đơn vị quản lý kiểm tra vấn đề này. Nhưng thực trạng là các hướng dẫn viên du lịch phải dặn du khách khi mua hàng thì phải trả xuống “nửa giá” và phải bảo quản tài sản tránh bị móc túi. Đi vào mua hàng, chẳng may lỡ trả giá mà không mua thì khách hàng không tránh khỏi trận chửi xối xả.Ngay cả người dân sống tại Huế cũng ngán ngẫm với hiện trạng này.
Đây là những nơi “tiêu tiền” của du khách và mang lại cho doanh thu du lịch. Cứ như tình trạng này thì chẳng còn ai dám đến đây để mua sắm nữa!
Những hình ảnh không đẹp khác… dưới mắt du khách
Chùa Thiên Mụ- điểm du lịch nổi tiếng của Huế- nạn mời chào, níu kéo khách du lịch của các chủ thuyền cũng gây ít nhiều phiền toái cho du khách. Bên cạnh đó, nhiều người già, người khuyết tật, trẻ em chèo kéo, đeo bám ăn xin khách hành hương. Nhất là vào các dịp lễ, ngày rằm, mồng một âm lịch, số người ăn xin ở khu vực này tăng lên nhiều lần, tạo ra hình ảnh phản cảm trước một điểm tham quan, du lịch.
Cảnh chèo kéo, đeo bám du khách mua hàng, đi xích lô, chụp ảnh, … cũng diễn ra ở khu vực bến xe Nguyễn Hoàng, các trục đường như Đoàn Thị Điểm… là nơi du khách vào, ra tham quan Đại nội Huế.
Đặc biệt, trong mấy ngày gần đây đã xảy ra dịch vụ “chặt chém” xung quanh các di sản thế giới như lăng Khải Định, Tự Đức. Trong vai khách du lịch, chúng tôi không ngờ giá một quả dừa 50.000đ tại lăng Tự Đức. Còn tại lăng Khải Định, giá một cây kem quế Socola là 40.000đ dù dịch vụ ở trong lăng thuộc sự quản lý của Ban quản lý di tích! Tương tự, tại khu vực Đại nội, giá bán trong khuôn viên di tích đã tăng gấp 2,3 lần so với giá bán ở ngoài.
Việc niêm yết giá dịch vụ và hàng hóa quanh các khu di tích ở Huế để bảo vệ hình ảnh du lịch đâu có phải là một việc quá khó!?
Nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, đường xá, cải tạo môi trường thiên nhiên và văn hóa ứng xử du lịch, giải quyết tình trạng chèo kéo, chặt chém, nhất là khu vực thuộc phạm vi quản lý của du khách đã phiền lòng khách du lịch là những vấn đề quan trọng mà ngành du lịch Huế và các đơn vị liên quan cần phải thấy đây là vấn đề hàng đầu và phải có giải pháp hiệu quả trong thực tế nếu muốn gây thiệu cảm níu chân du khách dài ngày.
Phù Nam