Vẫn khó kiểm soát thị trường gas
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 20:19, 19/09/2013
Đó là một số vấn đề rất được quan tâm trong buổi tọa đàm về an toàn thị trường gas diễn ra tại Hà Nội sáng 19.9.2013.
Khó quản vì thủ đoạn tinh vi
Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết từ đầu năm đến nay, quản lý thị trường đã xử lý 400 vụ, phạt hành chính 2 tỉ đồng, tịch thu lượng lớn tang vật gồm hơn 15.000 bình LPG, hơn 20.000 bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết gas trái phép.
Dù phát hiện nhiều vụ việc nhưng nhìn chung, tình trạng sang chiết gas trái phép vẫn diễn biến khá phức tạp. Do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là đối tượng làm ăn phi pháp tinh vi, thay đổi phương thức hoạt động như sang chiết gas trái phép ở vùng ven đô, hẻo lánh, sang chiết bằng dụng cụ tự chế, mua lại vỏ bình trôi nổi, chiếm dụng vỏ bình doanh nghiệp có uy tín cắt quai, sơn lại, mài chữ để làm giả. Có nhiều cơ sở sang chiết bình 12 kg sang bình mini hay sang từ bình lớn sang bình nhỏ không đúng quy trình, hay đổi thủ đoạn nhằm trốn tránh lực lượng chức năng.
“Chúng tôi rất thông cảm cho các cơ quan quản lý nhà nước lực lượng mỏng, quản lý không xuể. Nếu chỉ có quản lý thị trường kiểm tra thì xử lý rất khó, một số cửa hàng còn thuê “đầu gấu” ngăn cản. Ngay cả, quản lý ở phường đi kiểm tra dân tình không sợ, phải có bóng dáng công an thì mới sợ. Vì thế, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp chặt chẽ xử lý, nhất là có chế tài chặt chẽ. Bởi hiện nay, ai cũng có thể mở được, chỉ 1 ngày là xong giấy cấp phép” - ông Trần Trọng Hữu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam, nêu ý kiến.
Cần xem lại Nghị định 107/2009
Mặt khác, theo ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Nghị định 107/2009/NĐ-CP đã quy định rõ ràng trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh đầu mối; lĩnh vực quản lý kinh doanh gas của các bộ, ngành và các hoạt động khác không cần thiết phải cấp giấy phép mà chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện được phép hoạt động kinh doanh ở từng khâu.
Tuy nhiên, qua thời gian, các quy định trên đã phát sinh một số bất cập cần nghiên cứu, sửa đổi hoặc thay thế, đặc biệt là đối với việc quản lý hoạt động và các điều kiện của thương nhân phân phối LPG cấp I chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Trong khi đây là nhóm thương nhân đầu mối, nơi phát nguồn LPG trên thị trường với nhiều quyền hạn có tác động đến sự biến động của thị trường LPG trong nước như: tổ chức hệ thống phân phối LPG, tổ chức nạp LPG vào chai, quy định giá bán LPG và LPG chai trong hệ thống phân phối… và thường hoạt động trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành.
Việc xây mới và cấp phép các trạm chiết nạp LPG chủ yếu là các trạm của các doanh nghiệp nhỏ mới được thành lập chưa chặt chẽ, tình hình san chiết nạp LPG vi phạm các quy định về san chiết trở nên phổ biến. Các quy định và hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với các thiết bị phụ trợ liên quan đến vận hành và sử dụng LPG về chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, nguồn gốc xuất xứ như bếp LPG, ống dẫn LPG và van chai LPG các loại, van khóa đường ống… chưa cụ thể và sát sao.
Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Trần Trọng Hữu – Hiệp hội Gas, còn cảnh báo thêm về nguy cơ về mất an toàn là phụ kiện phục vụ cho bình gas. Một số vụ cháy nổ bình gas ở người dân không xuất phát từ bình gas mà từ lỗi của người tiêu dùng sử dụng không an toàn như đun nấu tắt không hết, gas rò rỉ, dẫn nguy cơ mất an toàn. Dây dẫn gas nối từ bình gas đến bếp có thể hỏng, người tiêu dùng lại không kiểm tra, trách nhiệm bảo hiểm không có.
Vì vậy, ông mong muốn Bộ Công thương, Cục An toàn nên xem xét quy định quy chuẩn về phụ kiện trong gas như dây dẫn gas phải chất lượng như thế nào, đảm bảo sử dụng vật liệu như đỡ bị chuột cắn; van điều áp bình gas an toàn. Nếu doanh nghiệp nào dưới quy chuẩn đó thì tịch thu và tiêu hủy. Nếu thực hiện được sẽ rất tốt cho thị trường gas.