Nhập phế thải, bị phạt như gãi ngứa!
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 16:42, 26/10/2013
Vào tháng 9.2013, Công ty Ý Linh làm thủ tục nhập khẩu qua cảng VICT TP.HCM lô hàng khai báo là trên 17 tấn phế liệu nhựa. Tuy nhiên sau khi kiểm tra và đem đi giám định, kết quả mà Trung tâm Tiêu chuẩn Kĩ thuật Đo lường Chất lượng 3 kết luận là: toàn bộ lô hàng là phế liệu được thu hồi từ các bao bì, mảnh vụn bao bì nhựa PE, bao bì đã qua sử dụng, chưa được làm sạch, có mùi hôi thối… không đạt chất lượng nhập khẩu theo quy định.
Đây không phải là trường hợp doanh nghiệp nhập phế liệu với khối lượng lớn không đúng quy định và bị Hải quan TP.HCM phát hiện.
Cũng trên báo Hải Quan ngày 13.2.2012 cho biết Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng (Cục Hải quan TP.HCM) đã ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH S.H.L và tịch thu trên 11 tấn phế liệu nhập khẩu.
Số phế liệu nêu trên khi làm thủ tục nhập khẩu Công ty TNHH S.H.L khai báo là cao su xốp dạng mảnh vụn, gồm 415 kiện. Tuy nhiên, qua kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 là toàn bộ hàng thực nhập là mảnh vụn từ cao su, thuộc nhóm phế liệu, phế thải tức thuộc diện cấm nhập khẩu.
Phát biểu trên báo Tin Tức hồi cuối tháng 8.2013, đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết khối lượng phế thải bị buộc tiêu hủy và số vụ vi phạm trong xuất nhập khẩu phế thải được phát hiện chỉ là con số nhỏ so với thực tế. Điều này đã làm gia tăng gánh nặng cho xử lý và tiêu hủy chất thải rắn ở Việt Nam, thậm chí đã có những nhận định “Việt Nam đang dần trở thành bãi phế liệu của nhiều nước”.
Theo thống kê củaC49, trong số hơn 2.500 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, có trên 200 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, mà chủ yếu là nhập chất thải nguy hại, rác thải công nghiệp.
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nhận định tình trạng các loại rác thải, phế liệu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nhập lậu về Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp.
Thủ đoạn phổ biến mà bọn buôn lậu thường sử dụng là lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, lợi dụng ưu tiên miễn kiểm tra phân luồng hàng hóa để khai báo không đúng tên hàng, đưa chất thải độc hại, rác thải công nghiệp vào Việt Nam hoặc tái xuất sang nước thứ ba.
“Theo quy định, hàng vi phạm về bảo vệ môi trường là phế liệu, rác thải bị xử lý buộc tái xuất hoặc tiêu hủy, nhưng thực tế chi phí để tiêu hủy rác thải là rất lớn, một số mặt hàng Việt Nam chưa có công nghệ tiêu hủy đảm bảo tiêu chuẩn. Do đó vụ việc vi phạm phần lớn được xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc này đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẻ hở của pháp luật để tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng bị cấm”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết trên tờ Tin Tức.
AT tổng hợp