Sản xuất xốp ở Trung Quốc đang phá huỷ tầng ozone

Quốc tế - Ngày đăng : 17:11, 10/07/2018

Các nhà máy sản xuất xốp Trung Quốc gây ra sự gia tăng đột biến khí chlorofluorocarbons (CFC) có khả năng phá huỷ tầng ozone, theo báo cáo công bố ngày 9.7 của Cơ quan Điều tra môi trường (EIA).

Cụ thể, EIA cho biết có 18 nhà máy tọa lạc tại 10 tỉnh Trung Quốc thừa nhận sử dụng CFC, dù chất này bị cấm từ năm 2010.

Vào tháng 5 vừa qua, nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học quốc tế cho thấy kể từ năm 2012, sự suy giảm CFC-11 trong khí quyển không được như dự kiến. Các nhà khoa học đưa ra khả năng khí này đang được tạo ra một cách phi pháp. Dữ liệu của họ chỉ ra rằng Đông Á chính là nguồn CFC mới.

CFC (một hợp chất hữu cơ chứa cacbon, clo và flo) là khí cấm theo Nghị định thư Montreal 1987 về các chất làm suy giảm tầng ozone. Việc sản xuất CFC tại các quốc gia đang phát triển chính thức kết thúc vào năm 2010.

Đóng vai người mua hàng, những nhà điều tra của EIA phát hiện CFC-11 được sử dụng tràn lan trong ngành sản xuất xốp Trung Quốc, vì hóa chất độc hại này có giá thành rẻ hơn các chất thay thế khác và giúp tạo ra sản phẩm tốt hơn.

“Nhiều cuộc thảo luận chi tiết với giám đốc điều hành các công ty đã giúp làm rõ rằng đây không phải một vài trường hợp cá biệt, mà là tình trạng phổ biến của toàn ngành”, theo những nhà điều tra của EIA.

Cũng theo EIA, một vài công ty còn thừa nhận xuất khẩu CFC bằng cách ghi ngoài nhãn mác là Hydrofluorocarbon (HFC) hay các hợp chất khác. Như vậy, các quốc gia ký kết Nghị định thư Montreal có khả năng vô tình nhập khẩu chất cấm này.

Trung Quốc có tham gia Nghị định thư Montreal. Nước này tuyên bố đã thành công chấm dứt việc sử dụng CFC vào năm 2007.

Cẩm Bình (theo Deutsche Welle)

Cẩm Bình