“Lãnh đạo DN Việt Nam thiếu tầm nhìn”
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 11:21, 22/10/2013
Theo ông Triết, quan niệm “kinh doanh cốt lõi” là kinh doanh truyền thống và bất biến theo thời gian do đó họ tiến tới kinh doanh đa ngành để giảm thiểu rủi ro, gần như rời bỏ kinh doanh cốt lõi.
Hiện tượng này theo ông Dominic Scriven – Giám đốc Điều hành Dragon Capital, diễn ra rất nhiều khi thị trường chứng khoán và bất động sản tăng mạnh, chi phí vốn rẻ và rất dễ dàng huy động vốn để đầu tư vào các ngành ngân hàng, bất động sản, cổ phiếu. Và nay, khi không còn nguồn tiền dễ dàng, giá tài sản giảm mạnh, bên cạnh hy vọng sự can thiệp của Chính phủ, họ bắt đầu muốn quay trở về kinh doanh cốt lõi.
Tuy nhiên không phải muốn là được bởi việc này gặp rất nhiều thách thức khi mà DN hầu như không còn năng lực cốt lõi để cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững. Trong khi đa phần lãnh đạo DN Việt Nam thiếu tầm nhìn và tư duy chiến lược, phân bố nguồn lực bất hợp lý. Quan trọng nữa là sự sợ thay đổi, thiếu quyết đoán và năng lực trong quá trình tái cấu trúc…
Mặt khác, một số diễn giả còn cho rằng không hẳn cứ đa ngành là hoàn toàn xấu và tập trung một ngành là hoàn toàn tốt. Bởi theo khảo sát của Dragon Capital, các công ty đa ngành chiếm đến 80% doanh thu của 50 công ty hàng đầu Hàn Quốc, 90% ở Ấn Độ và 40% ở Trung Quốc (khảo sát được thực hiện năm 2010).
Vì vậy, vấn đề ở đây nằm ở chính năng lực và chiến lược của chính doanh nghiệp, mà quan trọng hơn hết chính là tầm nhìn và khả năng của nhà lãnh đạo, nếu lãnh đạo giỏi mà không biết kết nối và truyền đạt đến nhân viên toàn tổ chức thì cũng không thể thành công.
“Kinh doanh tâp trung một ngành chưa bao giờ là lỗi mốt, nhưng đầu tư kinh doanh đa ngành không phải là không hay tuy nhiên phải biết cách đầu tư khôn ngoan như Warren Buffett đã nói : nếu bạn không có năng lực cạnh tranh thì đừng cạnh tranh” – ông Dominic kết luận.
Anh Thư