Doanh nghiệp “méo mặt” vì bất đồng của cơ quan quản lý

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 16:00, 31/10/2013

Cục Tài chính Doanh nghiệp cho doanh nghiệp được miễn giảm thuế nhưng Cục Thuế Hải Phòng vẫn truy thu cả tỉ đồng cùng tiền lãi chậm. Sự không thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước đã khiến doanh nghiệp “sống dở, chết dở” suốt  thời gian dài.

Bất tuân lệnh “sếp”

Đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Bộ Tài chính trong cuộc hội thảo ngày 30.10, bà Trần Thị Minh Tâm – Phó Tổng giám đốc Công ty Cung ứng lao động và Thương mại Hải Phòng, cho biết năm 2005 công ty của bà chuyển từ mô hình công ty nhà nước sang cổ phần.

Trong đó, Nhà nước nắm 51% vốn mà đại diện là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Sau đó, năm 2010, SCIC đã thoái toàn bộ vốn.

Công ty của bà Tâm đã được Cục Thuế Hải Phòng hướng dẫn thủ tục miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá năm 2005 và 2006 và giảm 50% thuế năm 2007, 2008.

Tuy nhiên, sau đó Cục Thuế Hải Phòng lại cho biết giai đoạn 2006 đến 2010, công ty của bà Tâm không thuộc đối tượng miễn giảm thuế sau cổ phần hoá.

“Điều đó đồng nghĩa với việc công ty tôi sẽ bị truy thu và bị phạt khoảng một tỷ đồng, trong khi đó, phần lợi nhuận các năm chúng tôi đã dùng để trả cổ tức, bao gồm cả việc chia cho SCIC” – Bà Tâm bức xúc.

Sau đó, công ty của bà Tâm đã làm công văn hỏi Cục Thuế Hải Phòng, Bộ Tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp. Trong văn bản trả lời mới đây mà công ty bà Tâm nhận được, Cục Tài chính doanh nghiệp khẳng định doanh nghiệp của bà thuộc đối tượng được miễn giảm thuế.

Song, Cục Thuế Hải Phòng không chấp nhận câu trả lời đó và cho rằng Thanh tra Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra và kết luận công ty của bà Tâm không thuộc đối tượng được miễn giảm thuế.

Sự không thống nhất giữa các cơ quan quản lý khiến công ty của bà Tâm luôn “bị nã” khoản tiền truy thu thuế 1 tỉ đồng, cộng với khoản lãi suất nộp chậm là 0,05%/ngày.

Nghiêm khắc xử lý 

Giải đáp những thắc mắc của bà Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói, nếu như Cục Tài chính doanh nghiệp đã khẳng định: Công ty Cung ứng lao động và Thương mại Hải Phòng thuộc đối tượng được miễn giảm thuế thì đương nhiên doanh nghiệp được miễn giảm khoản thuế này và Cục Thuế Hải Phòng phải có trách nhiệm làm theo.

“Vậy tại sao Cục Thuế Hải Phòng lại giải quyết như vậy?”- Thứ trưởng Tuấn đặt câu hỏi với đại diện Cục Thuế Hải Phòng.

Theo lý giải của đại diện Cục Thuế Hải Phòng thì trước đó, Thanh tra cục thuế đã tiến hành kiểm tra và kết luận là doanh nghiệp của bà Tâm không thuộc đối tượng được miễn giảm. Tuy nhiên, do không trực tiếp xử lý vấn đề này nên vị đại diện Cục Thuế Hải Phòng đã không biết sau cuộc họp sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại.

“Nếu doanh nghiệp đã phải đóng khoản tiền truy thu 1 tỉ đồng, Cục Thuế Hải Phòng phải có trách nhiệm bồi thường lại cho doanh nghiệp. Còn nếu doanh nghiệp chưa đóng tiền, Cục Thuế Hải Phòng cũng phải nhận trách nhiệm vì làm không đúng. Chúng tôi sẽ có văn bản trả lời cho doanh nghiệp trước ngày 10.11.2013″ – Thứ trưởng Tuấn khẳng định.

Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới được công bố tại hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện Liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam” ngày 30.10, ngành thuế đứng đầu danh sách về mức độ gây khó dễ cho doanh nghiệp. Đứng thứ hai là cảnh sát giao thông và vị trí thứ ba thuộc vì ngành hải quan.

Duyên Duyên

Ảnh: DDDN