Kiến nghị giảm thuế của doanh nghiệp rơi vào vô vọng

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 14:52, 30/10/2013

Ngày 30.10, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2013”, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp xoay quanh thủ tục hành chính thuế, hải quan. Tuy nhiên, những đề xuất của các doanh nghiệp đối với vấn đề giảm thuế đều không được đáp ứng.

66% doanh nghiệp đang kinh doanh không lãi

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện nay đã có trên dưới 400.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên cả nước, và một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hoạt động không có lãi.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2013, số doanh nghiệp kinh doanh không có lãi chiếm 66%, trong khi năm 2012, con số này là 69%. Mặc dù số lượng doanh nghiệp không có lãi đã giảm, nhưng nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

“Quan điểm của Bộ Tài chính là dù ngân sách hiện nay rất khó khăn, nhưng không vì thế mà không thực hiện giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp” – Thứ trưởng Tuấn, nói.

Theo đại diện Bộ Tài chính, một trong những nội dung kiến nghị mà Bộ nhận được là từ Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, trong đó đề nghị bỏ thuế VAT đầu vào.

Hiện nay, thuế nhập nguyên liệu đầu vào của ngành chăn nuôi bị áp thuế 5%, và thuế đầu ra các doanh nghiệp phải đóng cũng là 5%. Vấn đề này, theo ông Tuấn, Chính phủ đã họp một buổi để bàn bạc nên việc giảm thuế nằm ngoài thẩm quyền của Bộ Tài chính.

“Thức ăn chăn nuôi trên thị trường hiện nay có sự đóng góp của doanh nghiệp FDI lên đến 66%, do vậy việc đảm bảo bình đẳng đồng thời không tạo ra sự khó khăn cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước cần phải được quan tâm, chú trọng” – Thứ trưởng Tuấn cho biết.

Hiệp hội vận tải ô tô “ghen tị” với giá sữa

Đóng góp ý kiến tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các phương tiện vận tải hiện nay phải gánh quá nhiều loại thuế, phí, lên đến hơn 10 loại, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành vận tải.

“Tôi thấy giá sữa tăng rất nhanh, thậm chí gấp 200 – 300% vẫn được, nhưng giá vận tải thì không thể tăng được như giá sữa. Trong khi đó lại phải chịu quá nhiều loại thuế phí khác nhau, đã làm năng lực của ngành vận tải vận tải ô tô giảm sút từ 20 – 30%, không dám mua thêm ô tô, không dám đầu tư.

Tôi đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước rà soát lại các loại thuế và phí, giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% và cần có các quy định cụ thể để đảm bảo sự bình đẳng giữa các ngành nghề” – đại diện Hiệp hội vận tải ô tô cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện này còn kiến nghị phải bỏ phí bảo trì đường bộ, bỏ phí xăng dầu.

Theo các doanh nghiệp vận tải, trong khi đã có 31 trạm thu phí BOT,  nhà nước vẫn thu thêm phí bảo trì đường bộ. Sắp tới đây, hai tuyến xương sống là QL 1A và QL 4 sẽ được đầu tư và sẽ thêm khoảng 20 trạm thu phí BOT nữa nên vô cùng căng thẳng cho các doanh nghiệp vận tải.

Trả lời những thắc mắc của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Thứ trưởng Tuấn cho biết, hiện Chính phủ đang xây dựng phê duyệt chiến lược phát triển ô tô tầm nhìn đến 2020, trong đó có những giải pháp như Hiệp hội kiến nghị.

“Liên quan đến giá sữa, cơ quan hải quan đã đưa mặt hàng sữa vào danh mục phải kiểm soát giá. Còn đối với khâu nội địa, 14 doanh nghiệp nhập khẩu sữa lớn đều bị kiểm tra, để góp phần đấu tranh việc nâng giá, trục lợi.

Đối với chi phí vận tải cho 1 tấn hàng hoá hiện nay ở ta còn cao hơn các nước rất nhiều. Về mặt kỹ thuật thì cần phải thu thuế nhập khẩu, tuy nhiên, đã có cam kết ASEAN đến 2018 là mức thuế bằng 0%.

Còn liên quan đến thuế VAT thì kiến nghị này là khó, vì mức thuế VAT các nước trong khu vực hiện nay đều trên 10%, riêng Nhật Bản đã tăng thuế bán hàng từ 5% lên 7% rồi 10%” – Thứ trưởng Tuấn giải đáp.

DUYÊN DUYÊN