Chủ tịch HĐND Quảng Ngãi đề nghị GĐ Sở VH-TT&DL nghiên cứu thêm luật
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:05, 13/07/2018
>> Tỉnh ủy Quảng Ngãi thừa nhận một bộ phận đảng viên có ‘lợi ích nhóm’
Sáng 13.7, ngày họp thứ 3 của kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI - Nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu tiến hành chất vấn các cấp ngành về những vấn đề tồn tại, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Nóng nhất là nội dung chất vấn của đại biểu Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn về việc mở 2 quán cà phê ngay trước cổng chính trong khuôn viên Bảo tàng tổng hợp tỉnh; xây dựng quán cà phê, bi-da... trái phép tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức.
Quán cà phê mọc lên trong khu di tích, bảo tàng dưới hình thức xã hội hóa
Ông Nguyễn MinhTrí, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “2 quán cà phê nằm trong diện tích gần 5.000m2 đất xung quanh phía ngoài của Bảo tàng tỉnh thuộc Dự án Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi (giai đoạn 1), do Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương (công ty Đoàn Ánh Dương) được tỉnh cho thuê trong thời hạn 49 năm. Việc chủ đầu tư mở dịch vụ trên là 1 phần của dự án và được cấp thẩm quyền cho phép”.
Đối với việc xây dựng mở quán cà phê, bi-da... trái phép tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, theo ông Trí người chịu trách nhiệm trực tiếp là Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đơn vị trực tiếp quản lý; Giám đốc sở, đơn vị chủ quản cấp trên là người chịu trách nhiệm gián tiếp. Hiện Sở VH-TT&DL tỉnh đã tổ chức kiểm điểm các đơn vị và cá nhân để xảy ra vi phạm trên; đồng thời cho tháo dỡ xong toàn bộ các hạng mục xây dựng trái phép trên.
Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư huyện ủy Bình Sơn
Tuy nhiên, vị giám đốc sở này bày tỏ: “Để tăng giá trị và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn, thu hút khách đến tham quan cần gắn kết các di sản với đời sống cộng đồng dân cư tại địa phương... Vì vậy quan điểm cá nhân tôi là đồng ý cho đầu tư mở hoạt động dịch vụ cà phê, vui chơi tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng”.
Ông Trí, Giám đốc sở này giải thích thêm: “Ngay cả trong khuôn viên Di tích quốc gia là dinh độc lập, TP.Hồ Chí Minh cũng có các hoạt động dịch vụ ăn uống và khách sạn. Vì vậy không cho mở các hoạt động dịch vụ thì rất khó để kêu gọi đầu tư xã hội hóa các di tích văn hóa nói chung trên địa bàn được”.
Tuy nhiên đại biểu Hà Thị Anh Thư phản ứng: “Việc cho phép mở hoạt động dịch vụ tại các di tích, bảo tàng thường nằm ở vị trí khuất và phía sau, chứ không phải như 2 quán cà phê mà công ty Đoàn Ánh Dương mở ngay trước cổng chính Bảo tàng tỉnh. Nói hoạt động dịch vụ chỉ là phụ, cái chính của dự án là xây dựng các nhà trưng bày để phát huy giá trị di sản nhưng tôi chẳng thấy đâu. Khi đến xem thực tế chỉ thấy kinh doanh bán cà phê là rầm rộ. Riêng quán cà phê mới mở góc phía tây nam bảo tàng mà lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho rằng là văn phòng điều hành kết hợp”, bà Thư cho biết đã đến tận nơi và đếm được 50 bàn được chủ đầu tư đặt để bán. “Vì vậy cách trả lời của ông Trí - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh như vậy là lấp liếm, đề nghị nghiên cứu trả lời lại”.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi
Còn ông Ngô Văn Trọng, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Đối với quán cà phê Cổ mộc khu vực nhà rường cổ ở góc phía Đông của Bảo tàng tỉnh, chủ đầu tư là công ty Đoàn Ánh Dương mở trước khi tỉnh cấp phép đầu tư. Trong khu nhà rường không được cấp phép mở hoạt động dịch vụ bán cà phê”.
Cùng với khẳng định chủ trương kêu gọi xã hội hóa để phát huy giá trị của các bảo tàng, di tích là đúng và cần thiết; thế nhưng bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch HĐND tỉnh giải thích: “Không phải di tích nào cũng cho phép đầu tư xã hội hóa được. Quan điểm của đồng chí Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh đồng ý cho mở quán cà phê, vui chơi... tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi đề nghị đồng chí nên đối chiếu, nghiên cứu thêm các quy định trong Luật Di sản”.
Lê Đình Dũng