“Siêu tổng công ty” SCIC sẽ phân phối lợi nhuận như thế nào?

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 16:00, 03/11/2013

Ngày 1.11, Chính Phủ đã ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Theo đó, SCIC là doanh nghiệp do Thủ tướng thành lập, được đầu tư vốn điều lệ và giao quản lý phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp do bộ, ngành, UBND cấp tỉnh chuyển giao. SCIC hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Chức năng, nhiệm vụ chính của SCIC là tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp; Đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng tổng ty hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước cần nắm quyền chi phối; Thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp; Cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn cổ phần hóa, …

Một điểm mới trong quyền hạn của SCIC là được thành lập, tham gia góp vốn thành lập công ty con, công ty liên kết, bao gồm cả công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư.

Nghị định cũng nêu rõ SCIC có nghĩa vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước đầu tư và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý. SCIC có thể trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp hoặc thông qua hệ thống Người đại diện theo Quy chế quản trị vốn và Quy chế Người đại diện do Hội đồng thành viên Tổng  công ty ban hành.

Bên cạnh đó, Nghị định của Chính phủ cũng đã quy định SCIC được chủ động bán phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn nhà nước. Nếu muốn bán quá 50% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp mà Nhà nước cần giữ cổ phần chi phối thì SCIC phải báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Điều dư luận luôn luôn quan tâm trong thời gian qua là doanh thu và việc phân chia lợi nhuận khổng lồ của SCIC sẽ như thế nào cũng đã được Chính phủ quy định rõ trong Nghị định này.

Doanh thu của SCIC đến từ lợi nhuận, cổ tức được chia, tiền bán doanh nghiệp, tài sản, tiền bán cổ phần, vốn góp mà SCIC trực tiếp đầu tư hoặc tiếp nhận; Thu từ hoạt động tài chính, dịch vụ và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Lợi nhuận của SCIC sẽ được phân phối theo nguyên tắc sau:

Đầu tiên là chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có), kế tiếp là bù đắp các khoản lỗ các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế TNDN; Trích lập các quỹ khen thưởng viên chức quản lý SCIC, quỹ khen thưởng, phúc lợi; Trích lập quỹ thưởng thành tích bán vốn bằng 10% chênh lệch giữa tổng tiền thu án vốn tiếp nhận trong năm với giá được xác định lại theo quy định, chi phí bán và thuế TNDN nhưng không quá 3 tháng lương thực hiện. Phần lợi nhuận còn lại được chuyển toàn bộ vào Quỹ đầu tư phát triển.

Theo Nghị định, Hội đồng thành viên xem xét, phê duyệt báo cáo tài chính hằng năm và quyết định phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế của SCIC. Hội đồng thành viên của SCIC gồm có 7 người, có thể làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách. SCIC thực hiện cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định này từ ngày 01/01/2013.

 Quang Bách