Bộ GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ những điểm số cao bất thường tại Hà Giang

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:38, 14/07/2018

Ngày 14.7, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã lên Hà Giang để tìm hiểu nhằm làm rõ vụ điểm thi cao bất thường ở tỉnh này.

Đoàn công tác thanh tra do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD-ĐT dẫn đầu. Theo ông Mai Văn Trinh, quan điểm của Bộ GD-ĐT là làm thật nghiêm, nếu phát hiện địa phương có gian lận trong kỳ thi sẽ xử lý thật nghiêm khắc.
Được biết, có thể cán bộ của Bộ GD-ĐT sẽ tham gia ngay từ đầu vào việc rà soát các khâu của kì thi tại Hà Giang.

Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý theo đúng quy định. Theo ông Độ, sai phạm trong thi cử có thể được phát hiện khi rà soát quy trình, từ tổ chức thi, coi thi và chấm thi có chặt chẽ không? Quy chế thi cũng có nêu rõ nếu phát hiện bất thường, Bộ GD-ĐT có thể chấm thẩm định ở địa phương. Việc thành lập hội đồng chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi do Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng làm Chủ tịch.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018, Sở GD-ĐT Hà Giang phối hợp Học viện Ngân hàng, Cao đẳng Sư phạm Hà Giang thực hiện khâu coi thi. Quá trình chấm thi trắc nghiệm đều có sự giám sát của công an, tất cả mọi hoạt động đều phải có biên bản và chữ ký. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn cử 2 thanh tra về địa phương để tăng cường công tác coithi. Dữ liệu điểm thi bản gốc có 2 đĩa, một do chủ tịch hội đồng là ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang giữ, một đĩa gửi Bộ GD-ĐT.

“Chúng tôi lắp hệ thống camera giám sát để bảo vệ nơi lưu giữ bài thi và hồ sơ bài thi theo chế độ bảo mật. Cửa khoá bằng hai khoá. Đồng chí Trưởng ban chấm thi giữ một chìa và Trưởng ban thư ký giữ một chìa và phòng đó được mở khi nào thì quy chế đã nói. Mọi thứ dù có chặt chẽ đến đâu, dù có thếnào thì phải xuất phát từ chính bản thân con người chúng ta tham gia, nhận thức, trách nhiệm và vai trò của mình với mình, với người và xa hơn nữa là với nhân dân”, ông Sử cho biết.

Là đơn vị được Bộ GD-ĐT điều động lên coi thi tại Hà Giang, đại diện Học viện Ngân hàng PGS.TS Phạm Quốc Khánh - Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết: “Sau khi được Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện nhiệm vụ coi thi tại Hà Giang, Học viện Ngân hàng nhanh chóng điều động hơn 200 cán bộ, giảng viên của trường lên. Trong số này, trường đã cử 20 người làm phó điểm thi và 20 thanh tra cắm chốt tại chỗ.

Ông Khánh khẳng định trường đã cử những người phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ để lên coi thi tại Hà Giang. “Học viện Ngân hàng phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Giang thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT về công tác coi và chấm thi THPT Quốc gia 2018. Các khâu trong coi thi được hai đơn vị phối hợp thực hiện đúng quy trình, an toàn, nghiêm túc. Trong những ngày thi, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã có mặt giám sát và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Trường đã phối hợp các đơn vị để tập huấn hai buổi về chuyên môn, liên quan đến những điểm mới của kỳ thi như bảo mật, ký xác nhận trên bài thi. Ngày 22.6, cán bộ của học viện đã có mặt tại Hà Giang để thực hiện công tác coi thi THPT Quốc gia”- ông Khánh cho hay.

Khi được hỏi về nghi vấn gian lận trong công tác coi thi, ông Khánh khẳng định không có bằng chứng về việc này. Công tác coi thi tại Hà Giang có sự tham gia của Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia, giảng viên trường đại học, công an, đoàn thanh niên, y tế... Sơ đồ thứ tự phát bài thi trắc nghiệm là quy định thống nhất trên cả nước. Đó là nguyên tắc mỗi thí sinh đảm bảo trái, phải, trên, dưới, không thể trùng nhau mã đề. Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định mỗi phòng thi có 24 mã đề tùy thuộc vào số lượng thí sinh nên có phòng có thể ít hơn. Vì vậy, khó có thể có gian lận xảy ra. Sau khi kiểm tra tại các điểm thi. Tôi thấy khoảng cách ngồi của các thí sinh ở Hà Giang đều thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT" - ông Khánh phủ nhận nghi vấn.

Những điều bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia ở Hà Giang đều rơi vào những môn thi trắc nghiệm, chủ yếu là Toán và Vật lý. Về điều này, ông Lê Đức Vĩnh - nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học viện Nông nghiệp Hà Nội thẳng thắn cho biết, để tìm ra sự gian lận trong chấm thi trắc nghiệm là cực kỳ khó. Vì với bài thi trắc nghiệm, nếu có sự thông đồng, thì có thể lấy bài thi ra, rồi tẩy chì và khoanh đáp án đúng. Nếu điều này xảy ra sẽ rất khó để phát hiện. Trong khi với bài thi tự luận, chỉ cần nhìn chữ, hoặc giám định nét chữ là phát hiện được ngay.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều được chấm bằng máy, được bảo quản nghiêm ngặt từ lúc thí sinh nộp bài thi đến lúc chấm thi. Bộ phận giám sát chấm bài trắc nghiệm gồm cán bộ giám sát của đơn vị chủ trì cụm thi, đơn vị phối hợp tổ chức thi và công an. Trước và sau khi quét đều phải lập biên bản niêm phong.

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) với quy trình trên, việc gian lận, tiêu cực chỉ có thể xảy ra khi có sự thông đồng giữa các bên, tức là "sai phạm có tổ chức". “Bộ GD-ĐT cần vào cuộc một cách mạnh mẽ để tìm ra sự thật, nếu chỉ nhìn vào các báo cáo thì mọi việc đều rất “đúng quy trình”, nhưng nếu không tìm ra sự thật thì việc này sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh trên cả nước vì lợi ích và sự công bằng giữa các thí sinh. Bên cạnh đấy, việc tìm ra nguyên nhân cụ thể cũng sẽ khiến tỉnh Hà Giang lý giải được những điểm số cao của các học sinh nơi đây. Các địa phương hiện nay được giao quyền tổ chức kỳ thi thì phải gắn với trách nhiệm giải trình và chịu sự giám sát của xã hội. Không nên vì thành tích mà đánh đổi niềm tin của xã hội về một kỳ thi cấp quốc gia” - TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.

Dạ Thảo

Hải Yến