Ứng dụng CMCN 4.0 giúp tăng năng suất cạnh tranh

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:41, 16/07/2018

Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng việc ứng dụng thành công các công nghệ như IoT, AI… sẽ giúp hình thành các phương thức sản xuất, mô hình kinh doanh mới, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới… Từ đó làm tăng năng suất cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa trong nước, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, cuộc CMCN 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học đột phá của các công nghệ như: IoT (Internet kết nối vạn vật), điện toán đám mây, AI (trí tuệ nhân tạo)…

“Nhìn lại thời gian qua, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về KH&CN, đổi mới sáng tạo nhằm đặt nền tảng cho việc ứng dụng thành công các công nghệ của cuộc CMCN 4.0”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, cần phải lựa chọn những giải pháp hiệu quả, bước đi linh hoạt để xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi gắn với ứng dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường và thị trường tiêu thụ.

Nông thôn nước ta chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động với hàng triệu mảnh ruộng là những thách thức lớn đối với yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào thực tế trên mà phải cơ cấu lại nền nông nghiệp và một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo các chuyên gia, bản chất nông nghiệp thông minh là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.

Những công nghệ tiên tiến đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Do đó, việc ứng dụng thành quả của KH&CN và cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu.Tuy nhiên, để thành công cần sự nỗ lực phối hợp của cả hệ thống, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng, bền vững giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - Nhà nước, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp,ông Ngô Minh Hải - Phó tổng giám đốc Tập đoàn TH cho biết, TH đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý đàn bò của Isreal để quản lý sức khỏe đàn bò; quản lý chất lượng, sản lượng, thành phần sữa. Cùng hệ thống vắt sữa tự động, hiện đại với quy trình vệ sinh vắt sữa hoàn hảo, sữa được kiểm soát chất lượng ngay từ đầu.

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, TH cũng đang áp dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt. Hầu hết các khâu đều được cơ giới hóa, hiện đại hóa để tiết giảm chi phí, bảo đảm chất lượng tốt, đồng đều.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng- Ảnh: BTC

Khi ngân hàng “bắt tay” Fintech

Là lĩnh vực luôn tiên phong trong ứng dụng CNTT với nhiều dự án hiện đại hóa và có môi trường thuận lợi từ quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành tài chính - ngân hàng đang đứng trước những cơ hội lớn để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Với quy mô dân số hiện đứng thứ 13 thế giới và dự báo sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2025, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet năm 2017 theo nghiên cứu lên tới 55% cao hơn mức bình quân 44% trên thế giới. Việt Nam được đánh giá có một trong những quốc gia cóđiều kiện thuận lợi để phát triển, hiện đại hóa nhanh chóng lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tận dụng triệt để những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Phạm Tiến Dũng-Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, hiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam với 80 doanh nghiệp Fintech (công ty kết hợp công nghệ trong hoạt động tài chính)đang hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng… Có 27 tổ chức đã được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Theo khảo sát của NHNN, tháng 4.2018, có 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng – Fintech để cùng phát triển, ví dụ như MB & Viettel, PG Bank & Petrolimex, VCB & M-Service.

Lấy ví dụ về việcthẩm định 1 món vay, ông Dũng cho biết ngân hàng phải làm việc nàycả tuần, cả tháng thì Fintech chỉ mất 5 phút. Để làm được điều này, Fintech tích hợp các giải pháp thu thập các thông tin người vay từ rất nhiều nguồn trên Internet như web, mạng xã hội. Bên cạnh đó, giao dịch trên ngân hàng số rẻ hơn gấp 10 lần so với giao dịch truyền thống.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết trong thời gian tới, Bộ KH&CN được Chính phủ giao là Cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành tham gia nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 và Nghị quyết vềChương trình hành động của Chính phủđể cụ thể hóa các nội dung về triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Để phục vụ các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ của CMCN 4.0, Bộ KH&CN cũng đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng phê duyệt và đưa vào triển khai “Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về CMCN 4.0”.

Thu Anh

Thu Anh