Phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Tài chính ‘còn nhiều vấn đề’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:55, 18/07/2018
Trả lời Công văn số 7021/BTC-PC của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các quy định tại dự thảo bám sát các đề xuất trong phương án cắt, giảm điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh đang còn nhiều vấn đề.
Tại thời điểm xây dựng phương án, VCCI từng có ý kiến góp ý trong Công văn số 0776/PTM-PC ngày 23.4.2018, trong đó đề xuất bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối chiếu với phương án hiện tại thì hầu hết các đề xuất của VCCI đều chưa được tiếp thu và VCCI cũng không nhận được bản giải trình lý do không tiếp thu.
Vì vậy, để hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh thực hiện một cách thực chất,VCCI đề nghị ban soạn thảocân nhắc mở rộng quy định của dự thảo theo hướng bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không chỉ giới hạn trong phương án đã được phê duyệt.
Trước đó, VCCI có một số góp ý đối với đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính.
VCCI cho rằng một số đề xuất cắt giảm nhưng về bản chất là không cắt giảm. Ví dụ trong lĩnh vực giá, phần lớn các điều kiện kinh doanh đều được “giữ lại”, các phương án đề xuất chủ yếu là thiết kế lại hình thức quy định về điều kiện kinh doanh.
Có những đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa triệt để như đối với các điều kiện về nhân lực, phương án mới chỉ đề xuất giảm số năm kinh nghiệm điều kiện mà chưa xem xét có cần thiết phải bỏ hoàn toàn yêu cầu về điều kiện hay không.
Một số trường hợp được “cắt giảm” trong phương án dựa trên những lý do hình thức và về bản chất thì vẫn giữ nguyên điều kiện kinh doanh. Ví dụ trong lĩnh vực giá, có đề xuất cắt giảm điều kiện vì “việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được quy định cụ thể tại điều 39 Luật Giá”. Như vậy thì điều kiện này vẫn được giữ quy định trong luật.
Phương án cắt giảm mới chỉ đánh giá các điều kiện kinh doanh cụ thể mà chưa đánh giá về ngànhnghề kinh doanh có điều kiện. Việc này khiến phương án cắt giảm không đưa ra được bức tranh toàn cảnh về sự cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh của một số loại ngành nghề kinh doanh.
“Cần đánh giá việc xác định một ngành, nghề là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý không, qua đó kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư, đồng thời bãi bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh trong ngànhnghề này”, VCCI nêu.
Góp ý về điều kiện về số lượng thẩm định viên về giá, VCCI đề nghị bỏ quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này phải có tối thiểu 3 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. Lý do là với thị trường chuyển dịch lao động như hiện nay thì doanh nghiệp không nhất thiết phải có cố định số lượng thẩm định viên về giá mà có thể thuê các thẩm định viên về giá có thẻ hành nghề.
VCCI cũng đề nghị bỏ quy định về điều kiện về hạn chế số vốn góp của tổ chức trong doanh nghiệp thẩm định giá vì điều này không hợp lý, không cần thiết.
Về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực hải quan và thuế, VCCI đề nghị bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh của đại lý làm thủ tụcvà xác định đây là một ngànhnghề kinh doanh thông thường.
Cũng theo VCCI, việc xác định “kinh doanh dịch vụ kế toán” là ngànhnghề kinh doanh có điều kiện dường như chưa hợp lý. Lý do là trước thời điểm 2014, khi luật Kế toán 2014 được ban hành thì kinh doanh dịch vụ kế toán được xem là một ngànhnghề kinh doanh thông thường vàkhông được ghi nhận bất kỳ rủi ro nào tác động đến các lợi ích công cộng.
Trong mối quan hệ với Nhà nước, chủ thể chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm kế toán chính là các đơn vị kế toán - tổ chức thuê dịch vụ. Do đó nếu xảy ra rủi ro, luôn có chủ thể phải chịu trách nhiệm, và chủ thể đó không phải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán.
Còn trong quan hệ giữa đơn vị thuê kế toán (khách hàng) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán thì đây là quan hệ tư, tự khách hàng sẽ phải là người lựa chọn những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán tốt để phòng tránh rủi ro cho chính mình; trường hợp xảy ra rủi ro thì khách hàng được pháp luật tư bảo vệ.
Với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ, VCCI đề nghị bỏ điều kiện “mức vốn điều lệ thực có đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỉ đồng” vì rất ít ý nghĩa thực tiễn và cản trở doanh nghiệp.
“Xét bản chất, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư. Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên, khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ (đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỉ đồng)”, VCCI nêu.
VCCI đề nghị bỏ các điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bởi vì không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác.
VCCI cũng đề nghị bỏ điều kiện “Có phương án kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng có hiệu quả và đảm bảo duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật”. Lý do điều này can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp.
Lam Thanh