Bé gái bị tạt a-xít muốn xin… đôi mắt tử tù
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:00, 19/07/2018
Bà Nguyễn Thị Tâm (68 tuổi) cho biết, khi hay tin tử tù Nguyễn Hữu Tình - kẻ giết 5 người ở Q.Bình Tân (TP.HCM) xin hiến tạng, bà đã có nguyện vọng xin đôi mắt của tử tù này với mong muốn cháu nội bất hạnh tìm lại ánh sáng.
Mẹ ngoại tình, con bị tạt a-xít
Bà Tâm kể, 6 năm qua, cháu nội của bà là bé gái Nguyễn Thị Yến N. (16 tuổi, nạn nhân bị tình địch của mẹ tạt a-xít mù 2 mắt, toàn thân biến dạng) phải sống trong cảnh tàn phế. Mọi sinh hoạt hàng ngày của bé N., đều do một tay bà nội chăm sóc.
Bà Tâm kể, dù sự việc xảy ra 6 năm nhưng bà không bao giờ quên được ngày 17.6.2012, đứa cháu gái bé nhỏ của bà bị người phụ nữ Nguyễn Thị Ngọc Linh (khi đó 28 tuổi, ngụ cùng xã Hòa Bình) tạt a-xít đến tàn phế suốt đời.
Theo lời của bà, năm 2005, con trai út là Lê Thanh S. (31 tuổi) phải lòng với Võ Thị Thùy L. (SN 1987), ngụ cùng xã. Thấy 2 trẻ yêu nhau, gia đình đồng ý tác hợp nên nghĩa vợ tình chồng. Đến tháng 9.2005, bé N. chào đời trong tiếng cười hạnh phúc.
Do hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, nay thêm người nên cuộc sống càng chật vật. Để trang trải cuộc sống, S. phải đi làm thuê ở xa, thi thoảng mới về thăm vợ con. Còn L. ở nhà mở quán giải khát phục vụ cho người dân trong vùng, kiếm thêm thu nhập.
Trong khoảng thời gian này, L. và Trần Hoàng K. (ngụ cùng xã Hòa Bình, chồng của Nguyễn Thị Ngọc Linh) có mối quan hệ ngoài luồng với nhau, khi K. thường đến quán uống nước tán tỉnh bà chủ. Ban đầu, 2 người “qua lại” còn lén lút nhưng về sau thì càng lộ liễu.
Trước những lời đàm tiếu dư luận và áp lực từ người thân, năm 2010, S. và L. chính thức ly hôn. Sau khi ly hôn, bé N. được bà nội chăm sóc. Mỗi lần nhớ con gái, L. mới tìm đến nhà bà Tâm thăm. 2 ngày trước thảm kịch xảy ra, L. đến xin rước bé N. về nhà mình chơi.
Chiều hôm đó, K. và vợ mình là Linh xảy ra cự cãi nên lấy xe máy chạy sang nhà nhân tình. Cơn ghen nổi lên, Ngọc Linh xách chai a-xít đi bộ đến nhà tình địch. Lúc này, người mẹ trẻ cùng với con gái đang ngồi trên xe gắn máy thì bị Ngọc Linh đổ hết chai a-xít lên đầu.
Bà Tâm, mong muốn cháu nội được nhìn thấy ánh sáng- Ảnh: Thanh Linh
“Khoảng hơn 7 giờ tối đêm đó, mẹ con bé N. bị người ta ghen tuông tạt a-xít nguy kịch. Lập tức, tôi nhanh chóng chạy đến hiện trường thì thấy cả 2 đang gào thét thảm thiết. Lúc đó, người dân đã cùng nhau đưa cả 2 mẹ con nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu”, bà Tâm nhớ lại. Sau đó, cả 2 mẹ con được chuyển lên bệnh viện ở TP.HCM điều trị.
Suốt 13 tháng lấy bệnh viện làm nhà, bà Tâm vay mượn hơn 100 triệu đồng lo cho đứa cháu nội và đến giờ vẫn không có khả năng chi trả. Theo kết luận giám định pháp y, bé gái mang tỉ lệ thương tật 96%.
Phiên tòađược đưa ra xét xử, thủ phạm bị tuyên phạt 18 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Gia đình bị hại yêu cầu bồi thường 300 triệu đồng, nhưng phía gia đình Ngọc Linh chỉ khắc phục được 37 triệu đồng.
Lãnh đạo xã Hòa Bình (H.Trà Ôn) cho biết, từ sau khi xảy ra ra vụ đánh ghen, cháu N. được bà nội chăm sóc. Gia cảnh khó khăn nên chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, hỗ trợ cho 2 bà cháu. Cháu N. cũng chỉ biết trông cậy vào bà khi cha và mẹ ruột, mỗi người đều đã lập gia đình mới, có cuộc sống tư riêng.
Ngồi co ro ở góc nhà, chốc chốc bé N. lại hồn nhiên cười một mình. Bé N. cho biết, mong muốn có điều kỳ diệu xảy đến với mình là được nhìn thấy ánh sáng để có thể chăm lo cho bà nội lúc tuổi già. “Giờ trên đời này, con chỉ thương bà nội con nhiều nhất”, bé N. nói.
Theo lời bé gái, nếu như không bị tạt a-xít thì giờ em đã được học lớp 7. Ngày mà tai họa bỗng dưng ập đến là vào dịp hè, thời điểm bé N. vừa học xong chương trình lớp 1.
Tử tù xin hiến tạng
“Lúc điều trị, các bác sĩ cho biết sẽ còn chút hy vọng mong manh cho việc tìm lại ánh sáng cho N. nếu như có ai đó hiến tặng đôi mắt. Giờ hay tin có tử tù xin hiến tạng nên tôi sẽ tìm cách liên hệ ngành chức năng xem kết quả thế nào. Nếu có điều kỳ diệu xảy đến thì đó làm niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi, cũng như giúp đứa cháu bất hạnh có thể tìm lại ánh sáng như bao đứa trẻ khác”, bà Tâm nói.
Vào sáng 9.7, TAND TP.HCM đã xét xử, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê An Giang) mức án tử hình về tội“Giết người”, 8 năm tù tội“Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt là tử hình. Theo cáo trạng, tháng 8.2017, Tình làm thuê tại xưởng của ông Chinh ở Q.Bình Tân với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Do Tình làm việc không hiệu quả, hay chơi game nên bà Mai Thị Hồng (37 tuổi, vợ ông Chinh) la mắng, định cho nghỉ việc. Tối 12.2 (27 Tết) khi các nhân viên khác đã về quê, Tình nghe vợ chồng ông Chinh nói mình “lười, ngủ nhiều” nên rất tức giận.
Đến rạng sáng hôm sau, Tình làm rơi viên bi sắt xuống sàn nhà gây tiếng động lớn, bị bà Hồng la mắng. Hắn lập tức lấy dao đâm bà chủ nhiều nhát. Ông Chinh chạy từ phòng ngủ ra cũng bị hắn đâm tới tấp. 3 người con của chủ nhà cũng bị kẻ làm công sát hại. Gây án xong, Tình cướp điện thoại, laptop, nữ trang và xe máy để bỏ trốn.
Tại phiên toà, khi nói lời sau cùng, Tình bảy tỏ sự hối hận và xin được hiến tạng cho y học. “Trước hết, tôi xin lỗi gia đình bị hại vì hành động thiếu suy nghĩ của tôi mà gây hậu quả lớn như thế. Tôi thành thật xin lỗi”, Tình hối hận và xin lỗi cha mẹ mình vì chưa trả hiếu được và hành động thiếu suy nghĩ của mình đã phải trả giá bằng tính mạng.
Tử tù Nguyễn Hữu Tình- Ảnh: Thanh Linh
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc người bị kết án tử hình xin được hiến xác cho y học là không hiếm và mọi công dân đều có quyền hiến tạng. Trong trường hợp này, bị cáo Tình bị tước đi quyền sống và một số quyền thôi chứ không tước đi quyền hiến tạng.
Khoản 3, điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”. Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 cũng quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.
Nhưng theo điều 59, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định, hình thức và trình tự thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định.
Nếu tiêm thuốc độc rồi thì việc hiến tạng sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được vì tạng đã bị nhiễm độc. Khi bị tiêm thuốc độc, có thể cơ thể của người đó sẽ không được đảm bảo để hiến tạng, hiến xác nữa và như vậy quyền này của tử tù sẽ khó được thực hiện.
Theo luật sư Phan Đình Hưng (Đoàn luật sư TP.Cần Thơ), mục đích của việc thi hành án tử hình là nhằm trừng trị tội ác mà tử tù đã gây ra. Luật thi hành án hình sự chỉ quy định phương thức tử hình là tiêm thuốc độc. Do đó, tử tù không thể hiến tạng trước khi tiêm thuốc độc.
Tuy nhiên, luật sư Hưng cho rằng, hiến tạng là một ước nguyện mang tính nhân văn, thể hiện sự sám hối, sự hướng thiện của con người trước khi chết nên cần có cơ chế pháp lý tạo điều kiện cho tử tù được thực hiện ước nguyện.
Thanh Linh