Nga muốn Liên Hợp Quốc xem xét bỏ cấm vận Triều Tiên

Quốc tế - Ngày đăng : 11:41, 19/07/2018

Đại sứ Nga tại CHDCND Triều Tiên ngày 18.7 tuyên bố việc nêu vấn đề nới lỏng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào lúc này là hành động hợp lý.

Theo Đại sứ Alexander Matsegora: “Chuyển biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên hiện tại rất rõ ràng”. Ông cũng khẳng định Nga sẵn sàng giúp Triều Tiên hiện đại hóa hệ thống năng lượng, nếu lệnh trừng phạtBình Nhưỡng được dỡ bỏ và nước này kiếm được nguồn tài trợ để hiện đại hóa.

Kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí tăng cường trừng phạt Triều Tiên nhằm cắt nguồn tài chính mà quốc gia Đông Bắc Á này chi cho chương trình phát triển hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo. Theo nhiều nghị quyết trừng phạt, các nước khác không được hoặc chỉ được tiến hành rất hạn chế hoạt động xuất-nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu với Bình Nhưỡng, như than đá, hàng dệt may, thủy sản, dầu mỏ.

Trung Quốc vào cuối tháng 6 đã cố gắng vận động Hội đồng Bảo an ra một tuyên bố khen ngợi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Singapore và tỏ ý “sẵn sàng điều chỉnh những biện pháp trừng phạt do Triều Tiên chấp hành các nghị quyết ban hành trước đó”.

Tuy nhiên, Mỹ đã ngăn chặn nỗ lực này. Washington khẳng định sức ép từ những biện pháp trừng phạt cần được duy trì khihai nước Mỹ-Triều Tiênđang tiến đành đàm phán “rất nhạy cảm”.

Giới chức Nga và Trung Quốc lần lượt lên tiếng kêu gọi nới lỏng cấm vận với Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Tầm quan trọng của việc thực thi cấm vận đã được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 28.6, và có thể sẽ được ông tái khẳng định trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 20.7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18.7 cho biết ông nhận được cam kết giúp đỡ trong đàm phán với Triều Tiên từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời đưa ra đảm bảo duy trì trừng phạt.

Washington tuần trước yêu cầu Hội đồng Bảo an ra lệnh dừng ngay lập tức mọi hoạt động chuyển các sản phẩm dầu tinh chế cho Bình Nhưỡng, do Triều Tiêntrong 5 tháng đầu năm 2018 đã nhập vượt hạn ngạch dầu cả năm do Liên Hợp Quốc đặt ra, bằng hình thức giao dịch phi pháp trên biển.

Hội đồng Bảo an dự kiến bàn bạc về đề xuất của Mỹ với các thành viên trong ngày 19.7, tuy nhiên rất có thể Nga hoặc Trung Quốc sẽ tìm cách trì hoãn, thậm chí ngăn chặn lệnh dừng mọi hoạt động chuyển dầu được ban hành.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Cẩm Bình