Nỗ lực thu hút lao động trẻ về nông thôn làm việc của Trung Quốc gặp khó

Quốc tế - Ngày đăng : 14:48, 20/07/2018

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch “trẻ hóa nông thôn”, chính quyền các địa phương đã tìm nhiều cách khuyến khích lực lượng lao động trẻ tuổi, lành nghề trở về vùng quê của mình làm việc. Nhưng kết quả đạt được lại không khả quan.

Sau nhiều thập kỷ mở cửa, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng phát triển mất cân bằng. Năng suất của nền kinh tế nông thôn với phần lớn là lực lượng lao động lớn tuổi bị sụt giảm vì không có nguồn lực tăng trưởng.

Để giải quyết tình trạng này, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi lao động có tài trở về quê lập nghiệp. Lời kêu gọi phản ánh mong muốn nâng cao vị thế của vùng nông thôn, giảm rủi ro bất ổn xã hội, thúc đẩy tiêu dùng và kiểm soát tăng trưởng ở đô thị của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Mã Hiểu Hà, cố vấn của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết thu hút lao động về quê là một phần trong chiến dịch “trẻ hóa nông thôn” do Chủ tịch Tập phát động vào tháng 10.2017, được cho sẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các lĩnh vực như nông nghiệp hiện đại hay du lịch, thu hút lượng lớn đầu tư.

Kể từ đó, giới chức các địa phương đã đưa ra nhiều sáng kiến khuyến khích doanh nhân, lao động lành nghề, sinh viên tốt nghiệp đại học và “nông dân chuyên nghiệp” trở về vùng quê nơi mình sinh ra làm việc, phát triển sự nghiệp.

Trong năm 2018, Hà Nam sẽ cấp 6 tỉnhân dân tệ (890 triệu USD) cho những ai về quê khởi nghiệp. Tỉnh này hy vọng năm nay thu hút được 200.000 “doanh nghiệp nông thôn”.

Huyện Song Phong thuộc thành phố Lâu Để (tỉnh Hồ Nam) lại tích cực treo nhiều biểu ngữ với nội dung “Không cần phải đi xa tìm việc, cơ hội ở ngay tại quê nhà” ở khắp nơi. Ông Chen Deyuan, người đứng đầu làng Cộng Tường trên địa bàn huyện cho biết, dự án thu hút lao động dự kiến sẽ nhận được ngân sách 500 triệu nhân dân tệ trong 5 năm tới.

Khẩu hiệu kêu gọi lao động ở lại làm việc trên này là ý tưởng của cô Wang Xin, làm việc cho một trường nghề địa phương. Trường đào tạo thương mại điện tử cùng chuyên gia trà, những ngành được chính quyền xác định là lĩnh vực phát triển quan trọng. Cô hy vọng trường sẽ đào tạo được hàng nghìn học viên mỗi năm, và họ sẽ làm việc ngay tại quê nhà.

Cô Wang Xin, làm việc cho một trường nghề ở huyện Song Phong, tỉnh Hồ Nam - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, khi trường tổ chức một sự kiện tìm việc làm, cho đăng đến hơn 200 vị trí cần người vào năm ngoái, chưa tới 50% số học viên đến tham gia ứng tuyển.

Mặc dù vậy, giới chức địa phương vẫn tỏ ra lạc quan. Ông Chen tuyên bố: “Trong vòng 3 năm, tôi đảm bảo 80% số người ra đi sẽ quay về”.

Còn theo thị trưởng Lâu Để Dương Dĩ Văn, những dự án trọng tâm như tạo ra “thị trấn chuyên biệt”, phát triển tập trung một ngành nào đó (như du lịch) có thể giúp ích cho công tác thu hút lao động về quê.

Vùng nông thôn thiếu sức hút

Li Jinglong, 27 tuổi, lớn lên ở một thị trấn nhỏ ở tỉnh Hồ Nam. Một nhà thiết kế được đào tạo tại Mỹ như anh không có ý định về quê làm việc. Li chuyển đến sống tại thành phố Trường Sa, thủ phủ Hồ Nam, sinh sống từ một năm trước, với công việc giúp các công ty khởi nghiệp thiết kế và xây dựng thương hiệu.

Li Jinglong, một nhà thiết kế được đào tạo tại Mỹ, không có ý định về quê làm việc - Ảnh: Reuters

Vấn đề chủ yếu nằm ở chuyện thu nhập. Tính toán của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (CASS) cho thấy trong năm 2017, thu nhập bình quân hằng năm của dân cư nông thôn chỉ có 11.969 nhân dân tệ, chưa được 1/3 thu nhập của người dân đô thị.

Còn theo một khảo sát của đại học Kinh tế-Tài chính Tây Nam (SWUFE), trong khoảng thời gian 2015- 2017, thu nhập của 20% hộ gia đình nghèo nhất vùng nông thôn giảm 3,8%, trong khi của hộ gia đình nghèo nhất ở đô thị tăng 12,6%.

Ông Liu Deke, một nông dân 73 tuổi ở làng Đông Phong (Hồ Nam), cho rằng ở lại vùng quê không có tương lai. Theo ông, những người trẻ tuổi dù có học nông nghiệp cũng không nên trở về mà phải ở lại những thành phố lớn kiếm tiền.

CASS thống kê được trong giai đoạn 2012- 2017, chỉ có 7 triệu người về nông thôn làm việc. Hiện vẫn chưa rõ đã có bao nhiêu lao động trở về quê phát triển sau khi Chủ tịch Tập phát động chiến dịch.

Thu nhập người lao động kiếm được ở thành thị cao hơn nông thôn - Ảnh: Reuters

Khủng hoảng dân số già

Với việc dân số nông thôn sẽ vẫn đang già đi, năng suất của khu vực kinh tế này tiếp tục giảm là điều không tránh khỏi. Theo báo cáo năm 2016 của Trung tâm thông tin quốc gia Trung Quốc (SIC), người từ 60 tuổi trở lên chiếm đến 15,6% dân số nông thôn.

Zhao Fengling, 68 tuổi, sống tại huyện Song Phong, rất vui khi con mình xây được nhà mới khang trang từ tiền kiếm được khi đi làm xa và rước bà về ở. Tuy nhiên, bà phải sống trong cảnh cô đơn khi chồng qua đời.

“Khi ông ấy còn sống, chúng tôi có thể chơi bài với nhau. Con cái rất tốt với tôi, nhưng chúng bận đi kiếm tiền”, bà Zhao chia sẻ.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Cẩm Bình