Muốn sống các doanh nghiệp phải tự cứu mình
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 07:20, 08/01/2014
Tại Diễn đàn các giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp 2014 ngày 7.1 tại Hà Nội, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh, bên cạnh các các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả của Nhà nước trong năm 2014, doanh nghiệp cần phải chủ động “cứu mình” bằng những giải pháp phù hợp.
Có phục hồi nhưng chưa mạnh
Nhìn lại nền kinh tế trong suốt năm 2013, các chuyên gia tại diễn đàn đều cho rằng, kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có những dấu hiệu tốt lên, lạm phát đang ở mức kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều rủi ro vẫn còn tiềm ẩn đòi hỏi không được chủ quan.
"Nền kinh tế Việt Nam rất mở về thương mại, đầu tư, nên những thay đổi, biến động của nền kinh tế thế giới chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Dự báo của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều khá thận trọng. Việt Nam sẽ phục hồi theo chiều hướng chung của thế giới nhưng chưa mạnh" - TS.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết.
TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Theo đánh giá của ông Thành, năm 2013 nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều thành tựu trong việc ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển tốt. Nhưng kèm theo vẫn còn đó khá nhiều vấn đề chưa giải quyết được, đặc biệt là việc tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa có bước tiến đáng kể, tốc độ đổi mới công nghiệp còn chậm, năng suất lao động thấp, các yếu tố đầu vào cao... đe dọa tăng trưởng kinh tế trong dài hạn…
"Năm 2014 được dự đoán sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác mới cho Việt Nam, điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Không chỉ có TPP, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình đàm phán nhiều hiệp định thương mại và hợp tác khác như: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế" - ông Thành nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Hiệu – Cục phó Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2014 Chính phủ sẽ tập trung mạnh hơn những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tái cấu trúc, giải quyết hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng...
"Đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa và tăng sự lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiên định với các chính sách hỗ trợ sẽ tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng, quay trở lại hoạt động, cộng hưởng với cú hích từ gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài" - ông Hiệu khẳng định.
Doanh nghiệp phải chủ động cứu mình
Đề cập đến một khía cạnh khác, nhưng cũng là khó khăn chung của nền kinh tế, của các doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đưa ra một thực trạng không mới mẻ nhưng lại rất điển hình. Đó là việc các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu lép vế trước các tập đoàn lớn trên thế giới.
"Những năm qua có rất nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp nhưng đa số gục ngã trước các tập đoàn lớn trên thế giới. Họ sẵn sàng lỗ kế hoạch trong một thời gian để các doanh nghiệp Việt không chịu được, tự rút lui. Họ sẵn sàng chi, lách luật chi cho tuyên truyền quảng cáo … nhiều hơn doanh nghiệp Việt rất nhiều để thương hiệu chiếm lĩnh thị trường. Từ đó có thể làm cho họ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền để tăng giá, sinh lời. Nếu chúng ta chỉ nhắm tới các cú huých từ ngân sách để tăng tổng cầu thì sẽ không hữu hiệu bằng các biện pháp có tính đồng bộ" - ông Sơn cho biết.
Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI (Ảnh DDDN) |
Ngoài ra, ông Sơn cũng nếu ra một thực tế khác về tình trạng nhập siêu và những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp khi hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng đang hình thành.
"Trung Quốc là nước đang phát triển, đông dân số nhất thế giới, nền kinh tế đứng thứ hai sau Mỹ, nhu cầu tiêu dùng đa dạng. Việt Nam là quốc gia có chung biên giới và nhập siêu từ Trung Quốc rất cao. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để chúng ta xây dựng và thực hiện chiến lược xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng đang hình thành, cơ hội giao thương càng mở ra. Điều tất yếu nếu chúng ta không xuất khẩu vào họ nhiều thì chúng ta sẽ phải tiêu dùng sản phẩm của họ nhiều. Có thể phải mất nhiều năm, chúng ta muốn xuất khẩu được thì phải có sự chuẩn bị, tập trung, phải có chiến lược tốt" - ông Sơn nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Sơn, song bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh rằng, bên cạnh các các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả của Nhà nước, doanh nghiệp cần phải chủ động “cứu mình” bằng những giải pháp phù hợp.
"Cụ thể, để giảm thiểu tối đa rủi ro, doanh nghiệp chỉ nên kinh doanh ở lĩnh vực có lợi thế, các ngành nghề cốt lõi, không kinh doanh tràn lan, chạy theo đám đông. Lợi ích chính sách không đến ngẫu nhiên, thay vào đó doanh nghiệp cần phải chủ động cập nhật chính sách để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần thiết lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng và dài hạn" - bà Hằng khẳng định.
Duyên Duyên