Hơn 17.000 người tham gia đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy chưa được hoàn tiền

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:26, 20/07/2018

Trong số 26.700 người tham gia hoạt động đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy thì có tới 17.138 người chưa được thanh lý hợp đồng.

Theo báo cáo về tình hình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh lý hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, số lượng người tham gia tính đến thời điểm Công ty chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp ngày 26.4.2017 là 26.700 người.

Tính đến ngày 26.4.2018, toàn bộ Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp mà Công ty đã ký với người tham gia bán hàng đa cấp đã chấm dứt hiệu lực (theo quy định tại Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp ký với người tham gia, hợp đồng chấm dứt khi Công ty chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp). Tuy nhiên, vẫn còn 17.138 người trong tổng số 26.700 người tham hoạt động đa cấp của công ty vẫn chưa được thanh lý hợp đồng.

Phía công ty cho biết từ ngày 26.4.2017 đến ngày 30.6.2018, công ty đã tiếp nhận 9.562 người yêu cầu thanh lý và mua lại hàng hóa, trong đó Công ty đã thanh lý hợp đồng với 8.723 người, còn lại 839 người Công ty đã có giấy hẹn người tham gia đến Công ty ký thanh lý hợp đồng theo quy định.

Sau khi Thiên Ngọc Minh Uy dừng hoạt động, nhiều người tham gia hệ thống cho biết gặp nhiều khó khăn trong quá trình thanh lý hợp đồng. Trước sự việc này, Bộ Công Thương đã yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ quá trình thanh lý hợp đồng và giải quyết quyền lợi cho người tham gia bán hàng đa cấp tại Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.

Trường hợp không thống nhất với phương án giải quyết của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, người tham gia có thể thông báo tới Sở Công Thương tại địa bàn hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để được hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi. Cụ thể:

- Nếu là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, Sở Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ trực tiếp thụ lý và hỗ trợ người tham gia theo quy định của Nghị định 42.

- Nếu là tranh chấp dân sự khác ngoài phạm vi điều chỉnh của Nghị định 42, Sở Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ hướng dẫn người tham gia khởi kiện ra toà dân sự để được xem xét bảo vệ quyền lợi.

- Trường hợp người tham gia có lý do để cho rằng mình đã bị lừa đảo, Sở Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh sẽ hướng dẫn người tham gia làm Đơn tố giác tội phạm và gửi tới cơ quan công an để được xem xét xác minh.

Tháng 4.2017, Bộ Công Thương đã rút giấy phép của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Cùng với rút giấy phép, cơ quan này đã phạt Thiên Ngọc Minh Uy hơn 210 triệu đồng với các hành vinhư ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật...

Sau khi bị rút giấy phép, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn thông báo hoạt động chuyên sâu kinh doanh đa cấp do Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm thực hiện dù vẫn không được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2014-2015, tổng doanh thu ghi nhận của Thiên Ngọc Minh Uy là 3.593 tỉ đồng, với 87% là tiền thu trực tiếp từ người tham gia. Cụ thể, doanh thu năm 2014 là 1.105 tỉ đồng, trong khi giá vốn sản phẩm là 309 tỉ đồng tức là mỗi sản phẩm bán ra, công ty thu gấp 3,6 lần tiền vốn. Lãi gộp theo đó đạt 796 tỉ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 72%. Năm 2015, doanh thu công ty đạt 2.559 tỉ đồng trong khi giá vốn là 703 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 1.856 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận gộp tiếp tục tăng lên gần 73%.

Việc giá bán sản phẩm trung bình cao gấp 3,6 lần giá vốn (trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả tại Việt Nam phổ biến ở mức 1,1 - 1,5 lần) cho thấy chênh lệch giữa giá trị thực và mức giá người tiêu dùng phải trả.

Tuyết Nhung

tuyetnhung