Giá sữa: Biết đội giá nhưng vẫn bất lực
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 10:29, 15/01/2014
Qua tính toán sơ bộ, trong năm 2013 giá sữa tăng đến 6 lần, trung bình mỗi lần tăng khoảng 7-8%, nguyên nhân chủ yếu được các doanh nghiệp đưa ra vẫn là vì giá nhập khẩu tăng, bán lỗ nên buộc phải tăng. Điều đáng nói là dù cơ quan quản lý biết có dấu hiệu đội giá, chuyển giá từ phía các doanh nghiệp nhưng vẫn bất lực đứng nhìn.
Giá sữa tăng 6 lần trong 1 năm
Tính từ ngày 1.1.2013 đến ngày 31.12.2013, giá sữa đã có 6 lần điều chỉnh tăng giá. Lần thứ nhất là vào đầu tháng 1.2013 với mức tăng từ 10-15%. Đợt thứ hai vào đầu tháng 2.2013 với mức tăng từ 3-10%. Đợt thứ ba vào giữa tháng 2.2013 với mức tăng 8-9%. Đợt thứ tư vào giữa tháng 5 với mức tăng 8%, đợt thứ 5 là vào tháng 8.2013 và đợt tăng giá gần đây nhất là vào giữa tháng 12.2013 với mức tăng 5-7%.
Theo báo cáo của doanh nghiệp, nguyên nhân chính của việc điều chỉnh giá bán của các sản phẩm là do thời gian qua giá vốn hàng bán thay đổi, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí tiền lương điều chỉnh tăng, bên cạnh đó giá nhập khẩu nguyên hộp tăng nên doanh nghiệp điều chỉnh giá bán.
Trước thực trạng các doanh nghiệp sữa tăng giá vô tội vạ, Bộ Tài chính đã nỗ lực ban hành nhiều chỉ thị, thông tư liên tiếp vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.2013 yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai và có mức giá bán phù hợp. Tuy nhiên, bất chấp Thông tư 30 về việc quản lý giá sữa và các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi đã chính thức có hiệu lực từ 20.11.2013, ngày 12.12.2013 một số sản phẩm của TNHH Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) vẫn “lén lút” điều chỉnh giá với mức tăng từ 5-7%.
Lý giải cho việc tăng giá, Mead Johnson cho rằng vì giá nhập khẩu nguyên hộp (theo giá nhập tại cửa khẩu hải quan) tăng từ 12,6-12,8% nên buộc phải tăng.
Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Thông tư 30 mới chỉ dừng ở mức yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá, chứ chưa thể kiểm soát một cách triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất.
“Luật giá hiện đang cho phép các doanh nghiệp sữa được tăng giá từ 15-20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các doanh nghiệp sữa vẫn thoải mái tăng giá vài lần trong năm, thậm chí 1 tháng tăng 2 lần mà vẫn không sai luật” - ông Long nhận xét.
Cơ quan quản lý còn bất lực với giá sữa thì người dân biết phải làm sao? |
Biết nhưng bất lực
Trả lời những thắc mắc của phóng viên Một Thế Giới xoay quanh câu chuyện giá sữa, một lãnh đạo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) rầu rĩ phân trần: Biết đấy, nghe nhiều rồi nhưng còn nhiều cái khó khăn, vướng mắc lắm!
Theo vị này, việc doanh nghiệp sữa nhập khẩu vào bao nhiêu thì khó mà biết được, chỉ có thể biết trên tờ khai hải quan, cho nên vấn đề nằm ở khâu kiểm soát.
“Khi hải quan xây dựng bảng giá là tham khảo giá thị trường. Các doanh nghiệp nhỏ muốn nhập về để bán cạnh tranh thì có thể mua được giá rẻ, nhưng lại bị áp lực phải nâng giá lên, nếu không bị nghi ngờ là chuyển giá và đó chính là vấn đề.
Ví dụ như lấy giá sữa của 50 doanh nghiệp lớn làm mặt bằng để kiểm tra thì vốn dĩ giá đã cao rồi. Giờ các doanh nghiệp nhỏ nhập về và bán với giá thấp hơn thì liệu có bị xem xét là có dấu hiệu chuyển giá hay không, có giảm giá hay không? Vì thuế thu được có bao nhiêu đâu. Nhiều khi các doanh nghiệp bức xúc là ở đó.
Chúng tôi đã được nghe vấn đề này rất nhiều, cũng đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan hải quan. Cho nên việc xây dựng bảng giá cần phải được tính toán lại. Quan trọng nhất là phải xác minh được giá bên ngoài như thế nào, vì nếu lấy giá thị trường để áp đặt bảng giá khai hải quan là rất khó” - vị lãnh đạo này cho biết.
Theo ông, hiện nay xu hướng của các doanh nghiệp sữa trong nước vẫn là đưa ra mức giá cao, vì thông qua việc kiểm tra một số các doanh nghiệp thì họ vẫn khai lỗ và cái lỗ đó chính là lý do để họ vin cớ điều chỉnh giá. Thực chất giá bên ngoài đã đủ lãi, vì vậy vấn đề này là vô cùng nguy hiểm.
“Một trong những biện pháp quan trọng nhất là phải chống chuyển giá. Chuyển giá ở đây có hai mức độ, chuyển giá cao và chuyển giá thấp tùy theo từng doanh nghiệp để làm sao có lợi nhất cho doanh nghiệp của mình thì họ sẽ tiến hành. Chống chuyển giá cao là để chống tạo ra giá giả, tạo lợi cho doanh nghiệp. Thứ hai là chống chuyển giá xuống để tránh thuế nhập khẩu. Hiện nay, đa phần là doanh nghiệp chuyển giá lên để thị phần tăng lên” - vị lãnh đạo nói.
Ông này cũng bày tỏ mấu chốt của câu chuyện vẫn nằm ở những tờ khai hải quan. Ví dụ như vừa qua, Bộ Tài chính đã yêu cầu 5 doanh nghiệp sữa báo cáo và thấy có doanh nghiệp điều chỉnh giá 1 lần, nhưng không phải điều chỉnh giá tất cả các mặt hàng. Lý do là ở tờ khai hải quan họ nhập vào với giá cao nên bị lỗ, nên họ điều chỉnh giá để bù lỗ đó.
“Vậy bài toán đặt ra là có thật lỗ? Cho nên tất cả đều nằm trong tờ khai hải quan, liệu giá khai đó có chuẩn hay không? Cực kỳ khó. Đây là bài toán của cả nước chứ không riêng gì ngành nào.
Cũng vì thế mà hiện nay phải có sự phối hợp đồng thời cũng phân định chặt chẽ để biết được trách nhiệm thuộc về ai. Giá chỉ là biểu hiện ra bên ngoài, mà nếu doanh nghiệp thực hiện đúng thì không thể bắt được, vì nếu bắt là chính mình lại vi phạm nền kinh tế thị trường. Chúng ta đang theo đuổi nền kinh tế thị trường nên không thể hành chính hóa được. Nếu hành chính hóa thì phải có văn bản luật” - ông bày tỏ.
Và như vậy, đề tài về giá sữa vẫn là một đề tài muôn thuở, vẫn là nỗi nhức nhối của toàn xã hội, bởi cơ quan quản lý còn thấy khó, thấy bất lực thì những người dân biết phải làm sao?
Duyên Duyên