G-20 kêu gọi đàm phán giữa lúc chiến tranh thương mại
Quốc tế - Ngày đăng : 11:36, 23/07/2018
Theo các Bộ trưởng Tài chính cùng Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước G-20, tăng trưởng tuy vẫn còn mạnh mẽ nhưng đang dần ít đồng bộ và phải đối mặt với nhiều rủi ro trong ngắn-trung hạn ngày càng tăng.
“Những rủi ro bao gồm gia tăng lỗ hổng tài chính, căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang, mất cân bằng trên phạm vi toàn cầu, tăng trưởng yếu và không đồng đều về mặt cấu trúc, đặc biệt ở một số nền kinh tế phát triển. Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh đối thoại cũng như hành động để giảm thiểu rủi ro, tăng sự tự tin”, các quan chức cấp cao G-20 viết trong thông cáo chung.
Thông cáo này thể hiện thái độ cứng rắn hơn của nhóm G-20, so với tuyên bố chỉ khẳng định đối thoại thêm là cần thiết đưa ra trong cuộc họp tháng 3 trước.
Bộ trưởng Tài chính Úc Scott Morrison cho biết: “Giọng điệu mạnh mẽ tại cuộc họp mới nhất cho thấy những vấn đề được nêu cần được giải quyết gấp rút. Ông cũng khẳng định thương mại tự do là mục tiêu chung, và G-20 lo ngại các nền kinh tế lớn tiến hành “ăn miếng trả nhau” lẫn nhau.
Cuộc họp cuối tuần của G-20 diễn ra trong lúc Mỹ và Trung Quốc đang đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến thương mại, “khai hỏa” vào đầu tháng 7 này. Nguy cơ leo thang đang hiển hiện khi Tổng thống Donald Trump ngày 20.7 tuyên bố sẵn sàng đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (tổng kim ngạch hơn 500 tỉ USD năm 2017) nếu thấy cần thiết.
Bộ trưởng Tài chính của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có mặt, nhưng giữa họ không có cuộc thảo luận riêng bên lề cuộc họp G-20 nào. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vẫn tỏ ý sẵn sàng ngồi lại đàm phán. Phái đoàn Trung Quốc không đưa ra bất cứ phát ngôn gì.
Tại cuộc họp, phía Washington tập trung vào các mối quan hệ thương mại khác, với Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và Nhật Bản. Bộ trưởng Mnuchin tuyên bố những đồng minh thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) đang nghiêm túc xem xét lời kêu gọi loại bỏ hàng rào thuế quan, phi thuế quan cùng bảo hộ mà ông đưa ra. Chính quyền Trump dự kiến sẽ nhắc lại đề xuất này trong đàm phán thương mại với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuần này.
Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau đánh giá bỏ rào cản thương mại là ý tưởng tuyệt vời tuy nhiên sẽ khó thực hiện vì nhiều khác biệt mang tính lịch sử trong kinh tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire quả quyết Mỹ nếu muốn bắt đầu đàm phán với EU thì trước hết phải bỏ thuế nhôm-thép lẫn đe dọa đánh thuế ô tô.
Ông Pierre Moscovici, Ủy viên Liên minh châu Âu về các vấn đề kinh tế và tài chính, cho biết cuộc họp G-20 diễn ra không quá căng thẳng, nhưng không thể khiến các nền kinh tế thay đổi lập trường thương mại của mình.
Đồng minh của Mỹ nổi giận
Tổng thống Trump trước đó đã chọc giận đồng minh khi áp mức thuế 25% thép và 10% nhôm nhập khẩu với họ. Chưa dừng lại đó, ông còn xem xét đánh thuế ô tô, một hành động có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế châu Âu và Nhật Bản. EU cùng Canada lập tức trả đũa bằng biện pháp tương tự.
Bộ trưởng Mnuchin tại cuộc họp G-20 tái khẳng định lập trường thương mại của Tổng thống Trump không dựa trên chủ nghĩa bảo hộ, mà chỉ muốn thương mại được công bằng hơn.
Trang The Washington Times ngày 22.7 cho biết nhà lãnh đạo Mỹ đã đề nghị ký thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương với EU và Nhật như một cách thoát khỏi cuộc chiến đang leo thang, nhưng hiện chưa bên nào chấp nhận.Lời đề nghị này sẽ lại được giới chức Mỹ bàn luận với Chủ tịch Juncker khi ông sắp sang thăm, Nhà Trắng tuyên bố.
Cho đến nay, EU có vẻ đã lựa chọn “chiến đấu” thay vì đàm phán. Để đáp trả thuế nhôm-thép, khối này đã áp thuế với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ (tổng giá trị 3,25 tỉUSD) như rượu, mô tô.
Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom, người sẽ tháp tùng Chủ tịch Juncker trong chuyến thăm sắp tới, tuyên bố họ chuẩn bị gửi đến Mỹ một danh sách hàng hóa của nước này có nguy cơ bị đánh thuế mới, nếu ông Trump không rút lại những biện pháp cũng như đe dọa thuế quan.
“Mục tiêu của chuyến thăm là lập quan hệ tốt đẹp, cố gắng xem liệu chúng ta có thể xoa dịu tình hình hay không. Chúng tôi không đến để đàm phán về bất cứ thứ gì cả”, theo Ủy viên Malmstrom.
Trước đó một ngày, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga đã lên tiếng khẳng định: “Nhật Bản quyết không làm bất kỳđiều gì gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của mình. Trong đàm phán FTA cũng như vậy”.
Ông Suga cho biết phía Mỹ rất quan tâm đến khả năng đạt một thỏa thuận thương mại song phương, nhưng Tokyo sẽ tiếp tục thuyết phục Washington tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vì đây là phương án có thể đảm bảo lợi ích của cả hai nước tốt nhất.
Cẩm Bình (theo Reuters, The Washington Times, Straits Times)