Xác định trạng thái stress qua mồ hôi
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:39, 23/07/2018
Thiết bị được đề xuất bao gồm một màng polymer chỉ phản ứng với các phân tử cortisol và một bóng bán dẫn điện hóa. Bộ cảm biến như vậy được cố định trên da người, cho phép phân tích không xâm lấn liên tục với độ chính xác không thua kém các thiết bị phòng thí nghiệm hiện đại.
Khi bị stress, chấn thương và sốc, vỏ thượng thận của động vật tiết ra các hormone glucocorticoid, cho phép cơ thể thích ứng với sự mất máu và trạng thái căng thẳng. Hormone glucocorticoid chính ở người là cortisol. Tăng nồng độ cortisol trong máu làm tăng huyết áp, tăng nồng độ đường trong máu, đẩy mạnh quá trình tạo máu trong tủy xương và điều chỉnh các quá trình miễn dịch trong cơ thể.
Vì cortisol được tiết ra để đáp ứng với tình trạng stress nhất định nên nồng độ của nó thường được sử dụng chính xác như là một chỉ số stress. Tuy nhiên, việc đo nồng độ hormone này trong phòng thí nghiệm, đôi khi phải mất vài ngày, hiện vẫn chưa có phương pháp chính xác để phân tích sự biến động của nó (nồng độ cortisol có thể thay đổi nhiều lần trong ngày).
Để theo dõi nồng độ cortisol ở chế độ thời gian thực, một nhóm nghiên cứu Mỹ và Pháp, do Alberto Salleo ở Đại học Stanford, Mỹ, hướng dẫn, đã đề xuất xác định nồng độ cortisol không phải trong máu, mà trong mồ hôi. Các nhà khoa học đã tìm ra cách để đo lường nồng độ cortisol một cách nhanh chóng mà chỉ cần sử dụng một thiết bị nhỏ gọn có thể được gắn vào da trong suốt ngày.
Một trong những ưu điểm của phương pháp đề xuất là khả năng phân tích không xâm lấn liên tục. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học đã chọn mồ hôi, không phải máu. Theo các nhà khoa học, thiết bị này có thể được sử dụng để chẩn đoán sớm các bệnh cũng như để phân tích ảnh hưởng của hoạt động thể thao đến trạng thái cơ thể. Ngoài ra, bằng cách sử dụng phương pháp này cũng có thể theo dõi trạng thái cảm xúc của trẻ nhỏ khi các bé chưa thể diễn đạt bằng lời.
Được biết, trong nghiên cứu khoa học, các phép đo nồng độ cortisol thường được sử dụng để xác định mức độ stress. Chẳng hạn, một phép đo nồng độ cortisol của loài vượn cáo hoang dã cho thấy mối liên hệ giữa mức độ căng thẳng cao và khả năng sinh tồn bị giảm của chúng.
Vũ Trung Hương