'Mộng Khúc' - Một bức tranh chân thật về người đồng tính nữ vào thập niên 1970

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:37, 23/07/2018

'Mộng Khúc' là một cái tên mới vừa được xếp vào dòng văn học đồng tính nữ vốn vẫn còn khan hiếm tại Việt Nam.

Khi nhắc đến văn chương đồng tính, người ta thường nghĩ đến những u buồn uẩn khúc, những khắc khoải khổ đau đầy nước mắt, tủi nhục hay những hình thức ngụy trang ẩn chứa một khát khao được sống thật với bản thân. Tuy nhiên, nhà văn Joanne Trương đã không đi theo lối mòn đó.

Mộng Khúc có mạch văn bình thản nhẹ nhàng và lối kể chuyện rất tự nhiên. Nó tự nhiên như cách mà Tú Khanh lớn lên và chấp nhận bản thân mình không một chút mặc cảm dằn vặt, tự nhiên như câu chuyện tình yêu nảy nở lớn dần từ tình bạn thân thiết thuở bé của hai cô gái, đã khiến cho người đọc thoát khỏi cảm giác nặng nề không bị ám ảnh về một nỗi đau thân phận nào đó đòi hỏi sự bao dung cảm thông.

Nhà văn Joanne Trương hiện đang sinh sống tại Mỹ

Trong Mộng Khúc, tình yêu đồng tính không còn là một góc khuất của cuộc sống hay là sản phẩm của sự a dua đua đòi theo nước ngoài mà nó tồn tại hiển nhiên song song với các vấn đề xã hội trong một giai đoạn đầy biến đổicủa những năm 1970. Tình yêu đó cũng không phải là sản phẩm của ước mơ, của sự tưởng tượng.

Các nhân vật trong Mộng Khúc mang hơi thở của thực tế cuộc sống. Nhân vật Tú Khanh được khắc họa rất đời thường và cũng không bị đóng khung trong một hình dạng “giống con trai” như những lầm tưởng của xã hội về người đồng tính nữ.

Còn Lam Kiều lại là hình mẫu đại diện cho phần lớn người đồng tính nữ, tính thiếu quyết đoán, thỏa hiệp chấp nhận quytắc mà xã hội dành cho người phụ nữ. Đó chính là lớn lên phải lấy chồng sinh con mặc dù tình yêu trong cô ta dành cho Tú Khanh rất mãnh liệt. Điều đó đã góp phần dẫn đến bi kịch và trắc trở cho cả hai nói riêng và người đồng tính nói chung.

Tình dục trong Mộng Khúc cũng được tác giả mô tả hết sức tinh tế nên thơ, mộng mị. Điều cấm kỵ gây tò mò của xã hội đương thời đã được tác giả diễn tả một cách rất tự nhiên đầy cảm xúc, chứ không phải những hoang mang thử mùi của vị của tình dục để tìm lại bản thể của mình, mà nó thể hiện khao khát thể xác như một điều tất yếu cho sự thăng hoa của tình Yêu.

Mộng Khúc đã mang đến cho văn chương đồng tính nữ Việt Nam một làn gió mới rất tươi mát nhẹ nhàng đầy chất thơ nhưng cũng không kém phần sâu lắng trăn trở về tình yêu, về những biến đổi của thời cuộc và cuộc sống nơi đất khách của người Việt.

Luôn vươn lên trong cuộc sống, không một lời oán than đổ lỗi, bình thản đón nhận và giải quyết những khó khăn trở ngại từ sự kỳ thị của xã hội như một thử thách mà Thượng Đế sắp đặt cho mỗi kiếp người trong quá trình hoàn thiện bản thân, là lời nhắn gửi của tác giả đến người đồng tính về một cuộc sống lạc quan tự tin làm chủ cuộc đời.

Mai Thảo

Chí Thiện