Triều Tiên bắt đầu phá hủy một bãi thử tên lửa
Quốc tế - Ngày đăng : 14:24, 24/07/2018
Phân tích trên được tổ chức 38 North của Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều (Đại học John Hopkins) đưa ra dựa trên ảnh vệ tinh chụp Trạm phóng vệ tinh Sohae ngày 20.7. Hình ảnh cho thấy Bình Nhưỡng đã tháo dỡ một tòa nhà được dùng làm nơi lắp ráp tên lửa đẩy cùng một trạm thử nghiệm nơi chế tạo các động cơ nhiên liệu lỏng cho tên lửa đạn đạo.
Theo 38 North: “Vì những hạ tầng này được cho đóng vai trò quan trọng trong công tác phát triển công nghệ phục vụ chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên, nên nỗ lực (phá hủy) này là một biện pháp xây dựng lòng tin có ý nghĩa của họ”.
Trong họp báo sau cuộc gặp ngày 12.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết phá hủy một cơ sở phục vụ công tác thử tên lửa của nước này, đổi lại Washington ra lệnh đình chỉ tập trận chung với đồng minh lâu năm Hàn Quốc. Một quan chức Mỹ sau đó tiết lộ cơ sở ông Kim cam kết phá hủy là trạm phóng Sohae.
Báo cáo của 38 North xuất hiện trong lúc ngày càng có nhiều nghi vấn về khả năng Bình Nhưỡng tuân thủ những cam kết mà lãnh đạo nước này đưa ra trong thượng đỉnh, đặc biệt là chuyện giải trừ hạt nhân. Quốc gia Đông Bắc Á cho đến nay vẫn chưa cho biết cụ thể họ sẽ phi hạt nhân hóa như thế nào.
Jenny Town, trưởng ban biên tập 38 North, đánh giá diễn biến tại trạm phóng Sohae là động thái quan trọng thúc đẩy đàm phán tiến triển. Bà cho biết: “Điều này cho thấy Triều Tiên hiện nay sẵn sàng từ bỏ phóng vệ tinh cũng như thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Đây là sự khác biệt từng làm thất bại các nỗ lực ngoại giao trong quá khứ”.
Báo The Washington Post cuối tuần trước đưa tin mặc dù trước công chúng Tổng thống Trump luôn ca ngợi các cuộc đàm phán và khẳng định “không vội vàng”, nhưng ông đã bắt đầu mất dần kiên nhẫn khi đàm phán chậm tiến triển.
Nhà lãnh đạo Mỹ ngày 23.7 đã phủ nhận thông tin này. Ông cho biết mình rất vui mừng về tình hình hiện tại.
Triều Tiên muốn Mỹ có hành động cụ thể để đem lại hòa bình
Đài CNN ngày 23.7 dẫn lời một nguồn tin cho biết triển vọng đàm phán Mỹ - Triều sẽ phụ thuộc vào việc Washington có sẵn sàng thực hiện một “bước đi táo bạo” và nhất trí một hiệp ước hòa bình với Bình Nhưỡng hay không.
Theo nguồn tin, nếu Washington không chấp thuận thay thế hiệp đình đình chiến ký kết sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) bằng một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn có thể đảm bảo sự tồn tại của chính quyền Kim Jong-un, thì Bình Nhưỡng sẽ không tiếp tục đàm phán phi hạt nhân hóa nữa.
Mỹ - Triều về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1950 tới nay, và trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ căng thẳng giữa hai nước được đánh dấu bằng nhiều thỏa thuận thất bại. Hội nghị thượng đỉnh tháng trước là lần đầu tiên lãnh đạo đương nhiệm của hai nước trực tiếp hội kiến. Tại cuộc gặp lịch sử đó, Trump - Kim nhất trí xây dựng một thể chế hòa bình lâu dài và mạnh mẽ ở bán đảo Triều Tiên, trong đó Washington bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng.
Nguồn tin cũng tiết lộ quốc gia Đông Bắc Á đang gây áp lực buộc chính quyền Trump dỡ bỏ cấm vận để đáp lại nhiều hành động mà nước này đã làm, bao gồm ngừng thử hạt nhân và tên lửa, phá hủy một trong những bãi thử hạt nhân hay thúc đẩy công tác bàn giao hài cốt binh sĩ Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên.
Trước đó vào ngày 20.7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đại sứ nước này tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã lên tiếng yêu cầu các nước, đặc biệt là Nga với Trung Quốc, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết trừng phạt để giúp đỡ thúc đẩy đàm phán Mỹ - Triều.
Cẩm Bình (theo Reuters, CNN)