Ông Trump dọa tước quyền miễn trừ an ninh nhiều cựu quan chức

Quốc tế - Ngày đăng : 17:25, 24/07/2018

Nhà Trắng ngày 23.7 thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc tước quyền miễn trừ an ninh 6 cựu quan chức công khai chỉ trích ông có liên hệ hoặc bị Nga ảnh hưởng.

6 quan chức bao gồm cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) John Brennan, cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey, hai cựu Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) James Clapper và Michael Hayden, cựu Phó giám đốc FBI Andrew McCabe, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice.

Theo người phát ngôn Sarah Sanders, sở dĩ lãnh đạo Nhà Trắng nhắm vào những nhân vật này là bởi vì họ “chính trị hóa và trong một số trường hợp kiếm tiền từ dịch vụ công cũng như quyền miễn trừ an ninh mà mình được hưởng, đưa ra nhiều cáo buộc vô căn cứ về mối liên hệ bất chính với Nga hoặc bị Nga ảnh hưởng”.

Về nước sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Helsinki, Tổng thống Trump hứng chịu làn sóng chỉ trích trong nước vì không trách cứ Moscow vụ can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và xem thường tình báo nước mình. Ông Brennan là một trong những tiếng nói chỉ trích gay gắt nhất, khi nhận xét phát ngôn của nhà lãnh đạo Mỹ “không khác gì ngoài phản quốc”.

Ông James Comey từng có khẩu chiến với Tổng thống Trump xoay quanh nội dung quyển hồi ký của mình. Trong hồi ký, cựu Giám đốc FBI ví ông Trump như “trùm mafia”.

Cựu Giám đốc CIA John Brennan từng chỉ trích ông Trump “phản quốc” - Ảnh: Reuters

Lời đe dọa tước quyền miễn trừ an ninh bị đánh giá là một động thái “nhỏ nhen” chưa từng có tiền lệ. Nhiều quan chức Mỹ vẫn được hưởng quyền này sau khi rời chính phủ bởi họ có thể tiếp tục giữ vai trò cố vấn.

Cựu Phó giám đốc CIA John McLaughlin cho biết quyền miễn trừ chỉ bị tước đi khi quan chức hay cựu quan chức có sai phạm về vấn đề an ninh, và thường phải trải qua một cuộc điều tra mới có thể làm chuyện này.

Nói về chuyện này, cựu Giám đốc NSA Hayden khẳng định rằng dù có quyền miễn trừ an ninh hay không, ông vẫn sẽ viết và nói bất cứ điều gì ông muốn.

Trong khi đó, phát ngôn viên của cựu Phó giám đốc FBI McCabe cho biết quyền miễn trừ an ninh của ông vốn đã bị vô hiệu hóa vì chính sách của cơ quan này.

Nghị sĩ Adam Schiff, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ việc Mỹ, lên án việc Tổng thống Trump lập một “danh sách kẻ thù” (6 quan chức nêu trên) là hành động “xấu xí, phi dân chủ”. Một thành viên đảng Dân chủ khác là thượng nghị sĩ Mark Warner cũng chỉ trích đây là hành động vô lý.

Ông Trump “không nhượng bộ gì” tại thượng đỉnh Mỹ- Nga

Trên trang Twitter cá nhân ngày 23.7, Tổng thống Trump viết: “Tôi không nhượng bộ gì cả, chúng tôi chỉ nói về những lợi ích trong tương lai cho cả hai nước”.

Những gì thực sự diễn ra tại cuộc gặp kín giữa ông Trump với người đồng cấp Vladimir Putin ở Helsinki vẫn còn là bí ẩn. Ngay cả các quan chức cùng nghị sĩ Mỹ cấp cao cũng chưa được thông báo về kết quả cuộc gặp.

Hai Tổng thống Nga- Mỹ vừa gặp nhau ngày 16.7 - Ảnh: Observer

Trước đó, lãnh đạo Nhà Trắng chỉ tiết lộ đã bàn đến chuyện phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nỗ lựa đem lại hòa bình cho Trung Đông, tấn công mạng, Ukraine. Phía Tổng thống Putin khẳng định thượng đỉnh Helsinki “nhìn chung thành công và đạt được một số thỏa thuận”.

Và bất chấp những chỉ trích, Tổng thống Trump vẫn quyết định mời lãnh đạo Nga thăm chính thức Washington vào mùa thu năm nay.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Cẩm Bình