Mỹ khẳng định không tìm cách lật đổ Iran
Quốc tế - Ngày đăng : 06:53, 29/07/2018
Theo Bộ trưởng Mattis: “Không có chính sách (thay đổi chế độ hay khiến Iran sụp đổ) nào được xây dựng cả. Chúng tôi chỉ cần họ thay đổi hành vi trong một số mối đe dọa mà họ đem lại cho quân đội, mật vụ, người đại diện và lực lượng ủy nhiệm của mình”.
Phát ngôn của Bộ trưởng Mattis là tuyên bố chi tiết nhất về chính sách với Tehran mà một quan chức chính phủ cấp cao Mỹ đưa ra.
Quan hệ Mỹ-Iran xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump đầu tháng 5 tuyên bố rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), do Washington cùng các cường quốc Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức đạt được với Tehran hồi năm 2015, mở đường cho việc tái áp đặt trừng phạt. Thời gian gần đây, giới lãnh đạo hai nước còn tiến hành khẩu chiến với nhau.
Giữa lúc tình hình đang căng thẳng, một phương tiện truyền thông Úc tiết lộ Mỹ chuẩn bị ném bom các cơ sở hạt nhân Iran vào tháng 8 tới. Bộ trưởng Mattis ngày 27.7 phủ nhận thông tin này.
“NATO Ả Rập” đối phó Iran
Trang Reuters dẫn lời nhiều nguồn tin quan chức cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang âm thầm thúc đẩy thành lập một liên minh chính trị - an ninh với 6 quốc gia Ả Rập vùng Vịnh (Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và Ai Cập, Jordan. Mục đích lập liên minh là để đối phó với bành trướng của Iran trong khu vực.
Theo các nguồn tin, Nhà Trắng muốn hợp tác sâu sắc hơn trong phòng thủ tên lửa, huấn luyện quân đội, chống khủng bố cùng nhiều vấn đề khác như tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao khu vực. Nỗ lực này mang tên Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA), dự kiến sẽ được thảo luận trong một hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 12-13.10.
Nhà Trắng xác nhận họ đã làm việc với các đối tác khu vực về chuyện lập liên minh được vài tháng. Theo người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng: “MESA sẽ đóng vai trò như một bức tường ngăn cản sự xâm lược của Iran, khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, đem lại ổn định cho Trung Đông”.
Trang Reuters đánh giá nỗ lực của Mỹ có thể gặp phải một trở ngại lớn, đó là rạn nứt trong quan hệ giữa Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với Qatar. Qatar bị các nước Ả Rập khác cáo buộc hỗ trợ khủng bố.
Tuy vậy, hai nguồn tin cho biết Riyadh cùng Abu Dhabi đã đảm bảo với Washington rằng rạn nứt này sẽ không gây ra vấn đề gì cho MESA.
Cẩm Bình (theo Reuters)