Trung Quốc công khai ủng hộ Thủ tướng Campuchia Hun Sen tái trúng cử
Quốc tế - Ngày đăng : 18:23, 28/07/2018
Theo Reuters, dự kiến đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen có sự ủng hộ của Bắc Kinh sẽ dễ dàng thắng cử, sau khi đảng đối lập Cứu nguy dân tộc (CNRP) bị Tòa án tối cao Campuchia giải thể hồi tháng 11.2017, theo đề nghị của chính phủ Campuchia.
Lệnh cấm CNRP đã khiến Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) chỉ trích CPP. Nhưng Thủ tướng Hun Sen cáo buộc Mỹ “chống lưng” thủ lĩnh CNRP Kem Sokha âm mưu tổ chức “cách mạng màu” nhằm cướp chính quyền.
Thủ lĩnh CNRP Kem Sokha đã bị buộc tội phản quốc, nói sự cáo buộc này nhằm không cho ông tham gia tranh cử.
CNRP bị giải thể đã khiến Mỹ và khối Liên hiệp châu Âu (EU) rútkinh phívà giám sát viên cuộc bầu cử. EU cũng đề xuất trừng phạt lĩnh vực dệt may vốn giữ tầm quan trọng trong nền kinh tế Campuchia.
Ngược lại, Trung Quốc cấp kinh phícho Ủy ban bầu cử quốc gia và cử quan sát viên người Trung Quốc.
Reuters dẫn báo Nikkei Asian Review (Nhật) cho biết: khi mùa tranh cử bắt đầu, Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh, ông Hùng Ba là thượng khách trong một cuộc mít-tinh lớn của CPP.
Giữa cuộc tranh cử, Trung Quốc lại công bố cho Campuchia vay 259 triệu USD để xây dựng một tuyến đường vành đai ở thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia.
Ở hai sự kiện khác tổ chức trong vài ngày sau đó, Đại sứ Hùng Ba tuyên bố chính sách ngoại giao của Campuchia “tuyệt vời”, và ông chỉ trích việc EU đề xuất trừng phạt ngành dệt may Campuchia.
Theo báo Bưu điện Phnom Penh, nhà ngoại giao Trung Quốc nói: “Dù EU làm gì đi nữa, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và đào sâu quan hệ hợp tác với Campuchia trên mọi lĩnh vực, nhất là trong quan hệ kinh tế và thương mại”.
Đối với Campuchia, Trung Quốc là đồng minh chính trị-kinh tế quan trọng. Trung Quốc đầu tư vốn vào nước này rất nhiều, từ 600 triệu USD năm 2012 lên 1,08 tỉ USD hồi năm 2016, theo số liệu của chính phủ Campuchia. Trong 5 năm qua, đầu tư của Trung Quốc chiếm một nửa trong tổng đầu tư của nước ngoài.
Khi được Reuters hỏi về khả năng tái trúng cử của đảng CPP và của Thủ tướng Hun Sen, người đã cầm quyền ở Campuchia suốt 33 năm qua, người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: đấy là chuyện nội bộ của Campuchia, nhưng Trung Quốc muốn Campuchia “phát triển ổn định, ủng hộ nhân dân Campuchia lựa chọn hướng phát triển phù hợp với điều kiện của đất nước của họ, và Trung Quốc cũng cầu chúc cuộc bầu cử diễn ra xuôi mượt”.
Ông Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á của Đại học bang New South Wales (Úc) nói quan hệ giữa CPP với Trung Quốc được củng cố, sau khi CNRP suýt thắng cử năm 2013, và người ủng hộ phe đối lập đã biểu tình phản đối, cáo buộc gian lận bầu cử khiến phủ nhận chiến thắng của CNRP.
Ông Thayer dẫn các nguồn tin ngoại giao, nói: “Trung Quốc khó chịu với chuyện này, đã nói với ông Hun Sen rằng họ muốn ổn định và đầu tư mạnh cho CPP”.
Nhà phân tích chính trị Chheang Vannarith ở Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) nói, các hoạt động của Trung Quốc trong 3 tuần tranh cử của CPP đã cho thấy: Bắc Kinh không muốn bỏ qua cơ hội bảo đảm đồng minh Hun Sen tiếp tục nắm quyền lực ở Campuchia.
Ông Chheang nói: “Đó là một động thái dứt khoát của Trung Quốc. Trước đây, Bắc Kinh cố gắng khép mình trước chuyện bầu cử và chính trị nội bộ Campuchia. Lần này, Trung Quốc rất dứt khoát”.
Ông Chheang cũng nói Trung Quốc xem Campuchia là một quốc gia chiến lược, rất quan trọng đối với Trung Quốc, và nói thêm rằng Bắc Kinh đã “rút được bài học” từ thất bại đáng ngờ của liên minh cầm quyền lâu năm ở Malaysia.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội Malaysia hồi tháng 5, tân Thủ tướng Mahathir Mohamad đã quyết định hủy những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 20 tỉ USD (do Trung Quốc cho vay).
Theo Reuters, từ lâu Trung Quốc có quan hệ giông bão với Campuchia. Bắc Kinh từng ủng hộ Khmer Đỏ, nhưng khi lực lượng này bị quân đội Hun Sen có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đánh bại, Trung Quốc bỏ mặc Campuchia.
Quan hệ Trung Quốc - Campuchia mạnh trở lại trong 10 năm qua,và theo Reuters, Campuchia ủng hộ Bắc Kinh xây đảo nhân tạo và quân sự hóa trên Biển Đông, và Phom Penh bảo vệ Bắc Kinh khỏi sự chỉ trích của ASEAN (Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á), khi Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)