Doanh nghiệp lách luật để tăng giá sữa

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 05:54, 28/05/2014

Đại diện của Bộ Tài chính cho biết, đã phát hiện nhiều chiêu lách luật của các doanh nghiệp sữa như thay đổi mẫu mã, trọng lượng... nên trong quy định sắp được áp dụng sẽ nêu rõ các trường hợp để tránh điều này.
Trong buổi họp báo chiều ngày 27.5 liên quan đến việc áp trần giá sữa sắp được áp dụng, lãnh đạo Bộ cho biết, việc áp giá trần là một biện pháp mang tính chất giai đoạn, có giới hạn trong quá trình này và hiện hầu hết các doanh nghiệp sữa đều đã cam kết tuân thủ theo các quy định mới về giá.
Đặc biệt, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính, khẳng định ngay sau khi có biện pháp bình ổn giá mới, cơ quan này đã phát hiện không ít chiêu lách luật của doanh nghiệp như thay đổi mẫu mã, trọng lượng.
"Để tránh tình trạng này xảy ra, trong quy định sắp được áp dụng tới đây sẽ nêu rõ các trường hợp thay đổi về trọng lượng so với sản phẩm sữa trong bảng giá trần. Những sản phẩm này phải được tính toán lại giá trần dựa theo trọng lượng mới dựa trên tỉ lệ của mặt hàng cũ trong bảng giá trần.
Trường hợp có thay đổi quy cách đóng gói, bao bì mẫu mã và thông tin chất lượng, phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, mới được coi là sản phẩm mới và phải tính lại giá bán tối đa" - ông Nghĩa khẳng định.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc hàng Abbott tăng giá một số sản phẩm gần đây do giá trần đang cao hơn giá bán thực tế, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ yêu cầu hãng này không được phép tăng giá cao hơn mức giá đang bán trên thị trường.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc hàng Abbott tăng giá một số sản phẩm gần đây do giá trần đang cao hơn giá bán thực tế, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ yêu cầu hãng này không được phép tăng giá cao hơn mức giá đang bán trên thị trường.
Riêng đối với các doanh nghiệp không có sản phẩm nằm trong danh mục 25 mặt hàng sữa sẽ phải tự lựa chọn sản phẩm chuẩn tương quan về trọng lượng, quy cách đóng gói, thông tin chất lượng gần nhất với sản phẩm đó.
Đối với giá bản lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% trần bán buôn.
"Tỉ lệ 15% trên là dành cho trường hợp lưu thông tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất" - ông Nghĩa khẳng định.
Việc tính toán giá trần cho mặt hàng sữa được thực hiện dựa trên 3 yếu tố gồm kết quả thanh tra giá 5 doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam, tình hình giá sữa thực tế trên thị trường và tham khảo mặt bằng giá của các nước trong khu vực.
Duyên Duyên