Tập Cận Bình đẩy người dân Trung vào lửa đạn
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 23:03, 14/06/2014
Trong bối cảnh tình hình biển Đông đang nóng lên từng ngày, do vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, việc các tàu Trung Quốc miệt mài chở sắt, thép, cát, xi măng ra vùng biển quần đảo Trường Sa để xây dựng căn cứ quân sự tại đây, lại càng làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế.
Tờ Phil Star của Philippines dẫn báo cáo từ Phủ Tổng thống Philippines cho biết 5 bãi đá đang bị Trung Quốc thay đổi hiện trạng là Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Én Đất. Các bãi này nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc chiếm đóng trái phép các bãi đá, trong khi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Báo cáo không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ cải tạo ba bãi đá Chữ Thập, Subi, Vành Khăn sau khi hoàn tất công việc ở 5 bãi đá nói trên.
Chính phủ Philippines hồi tháng 3 tố cáo Trung Quốc có những hành động thay đổi hiện trạng ở bãi Gạc Ma. Bộ Ngoại giao Philippines công bố các bức ảnh cho thấy căn cứ quân sự của Trung Quốc đã mở rộng ra diện tích gần 9 ha chỉ trong 2 năm, dẫn tới suy đoán Trung Quốc có thể xây dựng một đường băng và Bắc Kinh sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông một khi đường băng hoạt động.
Các nhà phân tích địa chính trị trên website Stratfor của Mỹ chỉ ra rằng, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật thăm dò dầu khí và thay đổi hiện trạng để củng cố những tuyên bố chủ quyền phi lý trên quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.
Stratfor nhận định: Trung Quốc sẽ dùng chiến thuật này nhằm mở rộng biên giới bởi nước này cần xây dựng khả năng hậu cần của hải quân. "Hải quân Trung Quốc chưa đủ sức để vượt qua những thách thức hậu cần, như là khoảng cách. Do đó, khả năng thực hiện kế hoạch thống trị trên biển còn hạn chế".
Hành động của Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn
Đa Chiều, tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 13.6 bình luận, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang điều chỉnh chiến lược quân sự quy mô lớn trên biển Đông nên việc thị uy sức mạnh cơ bắp với máy bay, tàu chiến ở gần vị trí giàn khoan 981 không có gì là lạ.
Trên thực tế, ngay từ tháng 12.2012, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đề ra phương châm phát triển quân đội "gọi là đến, đến là đánh, đánh là thắng" ngay trong chuyến tuần du phương Nam, thị sát đại quân khu Quảng Châu và hạm đội Nam Hải. Tập Cận Bình nói câu này khi đang đứng trên chiến hạm của hạm đội Nam Hải. Đó chính là biểu hiện của của chủ động phòng ngự, chủ động uy hiếp và chủ động tấn công.
Việc Bắc Kinh điều ít nhất 6 chiến hạm hiện đại bậc nhất và ít nhất 4 máy bay quân sự ra gần giàn khoan 981, theo Đa Chiều, là biểu hiện của sự chuyển ngoặt trong chủ trương của Bắc Kinh, từ chỗ chỉ "nói mồm" tới chỗ "động tay chân", kết hợp uy hiếp quân sự với gây sức ép ngoại giao, tranh thủ chính trị để phối hợp giải quyết, đây chính là mô hình Trung Quốc đang, sẽ áp dụng trên Biển Đông.
Tờ Đa Chiều viết tiếp: Giữa lúc biển Đông đang leo thang căng thẳng quân đội Trung Quốc không hề do dự phô diễn sức mạnh cơ bắp ngoài dàn khoan 981 rõ ràng là đã có tính toán rất kỹ, điều đó cho thấy sự thay đổi trong mô hình xử lý vấn đề biển Đông của ông Tập. Điều này càng nổi bật khi so sánh vụ giàn khoan 981 với những vụ căng thẳng trên biển Đông trước đó.
* Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Deutsche Welle của Đức và báo Washington Times của Mỹ, Ernest Bower, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS, trụ sở thủ đô Washington), cho rằng “Trung Quốc liên tục gây hấn trên biển Đông xuất phát từ việc Bắc Kinh cho rằng Mỹ không dám can thiệp nếu xung đột xảy ra trong khu vực. Đó là lý do vì sao Trung Quốc đưa giàn khoan tới vùng biển Việt Nam”.
Tuy nhiên, chuyên gia Bower khẳng đinh: “Bắc Kinh không nên nhận định sai tình hình. Quan điểm cho rằng Mỹ sẽ không can thiệp quân sự để Trung Quốc muốn làm gì thì làm trên biển Đông là hoàn toàn sai lầm”.
Lên án hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm húc, bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam, chuyên gia Bower nêu: “Rõ ràng hành động của Trung Quốc khiến các nước làng giềng phải quan ngại”.
* Theo chuyên gia Graeme Dobell thuộc Viện Chính sách chiến lược của ÚC, đã đến lúc phải khẳng định những động thái khiêu khích của Trung Quốc, như hạ đặt giàn khoan và đâm tàu thực thi pháp luật, tàu cá Việt Nam, là sự biểu hiện đầy đủ và chính thức chính sách của Bắc Kinh.
Trong bài bình luận trên trang The Strategist mới đây, ông Dobell cho rằng các nước láng giềng của Trung Quốc không còn tự huyễn hoặc rằng những hành động khiêu khích của Bắc Kinh có thể bắt nguồn từ sự phân tán quyền lực, chẳng hạn như sự bất đồng giữa Quân Giải phóng nhân dân TQ và Bộ Ngoại giao.
Thực tế rằng “sự trỗi dậy bằng nòng pháo” là chính sách chính thức được phê chuẩn từ cấp cao nhất cuả Trung Quốc, đòi hỏi ASEAN phải đánh giá lại đường lối quan hệ với TQ. Theo chuyên gia Dobell, đã đến lúc ASEAN thôi hy vọng vào việc thương thuyết với Bắc Kinh để đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) bởi Trung Quốc không hề mong muốn bất kỳ thỏa thuận đa phương nào. “Bắc Kinh đã coi việc chấp nhận DOC là một sai lầm và sẽ không làm tồi tệ thêm lỗi lầm bằng cách chấp nhận COC”, ông Dobell viết.
Các nước láng giềng của Trung Quốc không còn tự huyễn hoặc rằng những hành động khiêu khích của Bắc Kinh có thể bắt nguồn từ sự phân tán quyền lực, chẳng hạn như sự bất đồng giữa Quân Giải phóng nhân dân TQ và Bộ Ngoại giao.
Thực tế “sự trỗi dậy bằng nòng pháo” là chính sách được phê chuẩn từ cấp cao nhất cuả Trung Quốc.
Thiết kế căn cứ quân sự bao gồm một sân bay trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 của Trung Quốc tiết lộ.
(Tựa do MTG đặt)