Vietnam Airlines đem tiền nhà nước biếu không cổ đông?
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 22:59, 28/06/2014
Một trong những vấn đề mà dư luận hiện nay lo ngại là VNA muốn giữ lại thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần tương ứng với vốn nhà nước (75%) khi thực hiện cổ phần hóa để tăng thêm vốn đầu tư làm cơ sở bổ sung nguồn vốn mua máy bay. Phải chăng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiền của nhà nước lại đem cho không những cổ đông góp vốn mua cổ phần?
Liên quan đến phương án cổ phần hóa của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng, Trưởng ban tài chính - kế toán của Vietnam Airlines (VNA) về những nghi ngại mà dư luận đang đặt ra trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp này.
Trong một phát biểu mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương) cho rằng phương án cổ phần hóa mà VNA đưa ra đang nhầm mục tiêu và không thể chấp nhận được. Quan điểm của VNA về vấn đề này?
VNA nhận thức rất đầy đủ về mục tiêu cổ phần hóa. Trong suốt quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa, chúng tôi luôn áp dụng những chính sách, mục tiêu để xác định nội dung cổ phần hóa, đặc biệt là các chính sách Nhà nước sau khi cổ phần hóa.
Hiện nay, phương án cổ phần của VNA chưa được thông tin một cách đầy đủ và hình như dư luận đang nghi ngại rằng VNA đang đề nghị rất nhiều ưu tiên, ưu đãi sau khi cổ phần hóa. Bởi vì dư luận cho rằng cổ phần hóa đồng nghĩa với việc hoạt động theo cơ chế thị trường một cách bình đẳng giữa các thành phần khác, tăng cường tính minh bạch trong cơ chế hoạt động, tăng cường tính dân chủ trong quản trị doanh nghiệp; trong khi đó VNA lại xin những ưu tiên ưu đãi thì không phù hợp với mục tiêu cổ phần hóa.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh trong phương án cổ phần hóa của VNA đã trình Bộ GTVT và Bộ GTVT tiếp trình lên Thủ tướng thì VNA chỉ đề xuất và kiến nghị 2 chính sách đã được Thủ tướng phê duyệt trước đây, mang tính chất kế thừa những cơ chế chính sách đã có.
Thứ nhất là liên quan đến thặng dư vốn. VNA xin được giữ lại thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần tương ứng với phần vốn của Nhà nước, để tăng vốn đầu tư của Nhà nước khi công ty cổ phần phát hành tăng vốn điều lệ. Điều này hoàn toàn khác biệt với những thông tin cho rằng VNA xin để lại thặng dư vốn của Nhà nước cho công ty cổ phần, hoặc cho những người mua cổ phần.
Thứ hai là đề nghị duy trì bảo lãnh cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa. VNA trước đây có một số dự án đầu tư mua tàu bay và đã báo cáo với Thủ Tướng phê duyệt về báo cáo nghiên cứu khả thi và các phương án, chính sách liên quan. Trong những chính sách được Chính phủ được phê duyệt từ năm 2007 đến 2013 có quyết định cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án như vậy. Đây là những chính sách mang tính kế thừa những chính sách của Chính phủ từ trước đó, chứ không phải là chính sách mới.
Chúng tôi khẳng định, sau khi VNA IPO thành công, chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần thì việc xin hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ sẽ không còn nữa.
Như đã nói ở trên, một trong những vấn đề mà dư luận hiện nay lo ngại là VNA muốn giữ lại thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần tương ứng với vốn nhà nước (75%) khi thực hiện cổ phần hóa để tăng thêm vốn đầu tư làm cơ sở bổ sung nguồn vốn mua máy bay. Phải chăng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiền của nhà nước lại đem cho không những cổ đông góp vốn mua cổ phần? Xin VNA đưa ra quan điểm của mình.
Thặng dư vốn được VNA giữ lại theo quy định quản lý của Nhà nước và sau khi công ty cổ phần hóa có phương án tăng vốn điều lệ thì sẽ sử dụng thặng dư vốn của Nhà nước để bổ sung vào phần vốn của Nhà nước đang có. Việc tăng vốn như vậy đòi hỏi các cổ đông khác cũng phải tham gia tăng vốn theo tỷ lệ vốn góp của mình trong công ty. Nghĩa là không có chuyện cho vốn, cho không mà hoàn toàn bình đẳng.
Sau khi công ty cổ phần được thành lập, phương án tăng vốn phải thông qua đại hội cổ đông. Khi đó, các cổ đông có phương án tăng vốn thì sẽ đăng ký tỷ lệ tham gia. Tùy thuộc vào mức độ tham gia của các cổ đông, tỷ lệ vốn góp của các cổ đông trong doanh nghiệp có thể sẽ thay đổi.
Chúng tôi cho rằng, với các cổ đông nhỏ lẻ, việc tham gia này theo nguyên tắc tự nguyện, nhưng đối với cổ đông chiến lược, trong quá trình đàm phán sẽ đặt vấn đề ngay từ đầu về tiến trình VNA cổ phần hóa, nhu cầu về vốn điều lệ, nhu cầu bổ sung tăng vốn trong tương lai. Chúng tôi tin tưởng với phương án tăng vốn sẽ nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các cổ đông chiến lược.
Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng những kiến nghị mà VNA đưa ra là hoàn toàn chính đáng, góp phần phát triển mở rộng quy mô kinh doanh, đáp ứng yêu cầu các dự án đầu tư mà Chính phủ đã phê duyệt trước đây.
"Phương án cổ phần hóa của VNA hoàn toàn minh bạch, chính đáng". |
Nếu phương án cổ phần hóa VNA được chấp thuận thì diện mạo của VNA sẽ thay đổi thế nào, thưa ông?
Trong khi xây dựng phương án cổ phần hóa có nội dung quan trọng là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 5 năm sau cổ phần hóa. Tất cả những kiến nghị của VNA khi đưa ra đều đã được tính toán trong phương án cổ phần hóa.
Ngoài mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh, tính minh bạch, dân chủ trong quản trị thì việc thu hút một lượng vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm mục tiêu tăng thêm quy mô vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, tăng thêm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trong các dự án đầu tư lớn của VNA.
Trong những năm tới, VNA có chương trình đổi mới đội tàu bay B787 và A350 nên cần một lượng vốn rất lớn. Chúng tôi đưa vào luận chứng xây dựng phương án để tăng vốn điều lệ doanh nghiệp sau cổ phần hóa bao gồm cả phần vốn của Nhà nước và phần vốn của các nhà đầu tư, các cổ đông khác, để đảm bảo doanh nghiệp phát triển nhưng các chỉ số tài chính phải đảm bảo độ an toàn và bền vững. Tỷ lệ vốn vay của chủ sở hữu phải nằm trong tỷ lệ chuẩn của ngành hàng không.
Nếu Chính phủ giải quyết 2 kiến nghị này sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thực hiện một cách trọn vẹn các dự án mà Chính phủ đã phê duyệt trước đây, cả về nguồn vốn và cả chính sách bảo lãnh.
Đương nhiên, chính sách bảo lãnh rất quan trọng vì hiện nay VNA đang huy động vốn từ các tổ chức tín dụng xuất khẩu nước ngoài và một trong những điều kiện là Chính phủ phải cấp bảo lãnh. Nếu như VNA không huy động được nguồn vốn thì chi phí huy động vốn của doanh nghiệp có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng lên.
VNA được gia tăng vốn sau khi cổ phần hóa liệu có tạo một cú hích để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác không, thưa ông?
Nếu coi đây là việc tạo ra thế cạnh tranh để áp đảo trên thị trường thì chưa đầy đủ. Hiện nay, tổng tài sản của VNA rất lớn. VNA không chỉ hoạt động bằng nguồn vốn chủ sở hữu trên sổ sách kế toán là 10.560 tỉ đồng mà chúng tôi có đội máy bay thuê lớn, chiếm 50% tổng tài sản khai thác của VNA.
Nếu được Chính phủ chấp thuận, VNA có thể tiếp tục tăng vốn điều lệ sau cổ phần hóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện thành công dự án đầu tư đội bay đã được Chính phủ phê duyệt. Nếu coi việc này là cú hích để VNA có thể nâng cao năng lực canh tranh, áp đảo, chèn ép các doanh nghiệp khác thì hoàn toàn không đầy đủ
Mặt khác, con số kiến nghị là con số kỳ vọng đạt được khi VNA thực hiện cổ phần hóa và bán cho nhà đầu tư chiến lược thành công, chứ đây không phải là con số đã có sẵn.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên