Cơ sở quân sự Mỹ tại châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 16:08, 01/08/2018
Trong quý đầu tiên của năm 2018, 41% lượng khí đốt châu Âu sử dụng là do Nga cung cấp. Khí tự nhiên của nước này có giá rẻ hơn vì chúng không cần phải trải qua quá trình hóa lỏng để dễ dàng lưu trữ và vận chuyển. Với đường ống Nord Stream 2 qua biển Baltic, lượng khí đốt Nga bán trực tiếp cho Đức dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Khi dự án này bắt đầu xây dựng, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cảnh báo Berlin đang trở thành “con tin” của Moscow.
Không chỉ ông Trump, nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹcũng lấy làm lo ngại với tình trạng phụ thuộc khí đốt Nga của châu Âu. Thượng nghị sĩ Pat Toomey cùng nhiều thành viên quốc hội trong thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng phải giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moscow tại những cơ sở quân sự tại châu Âu có lực lượng quân đội Mỹ đồn trú. Một số khẳng định khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đáng tin cậy hơn, nên có thể thúc đẩy xuất khẩu nhằm thay thế Nord Stream 2.
Căn cứ không quân Ramstein ở phía tây nam nước Đức là một cơ sở vận tải quốc phòng lớn và mang tính chiến lược, nơi đồn trú của 56.000 binh sĩ Mỹ. Địa điểm này đóng vai trò trụ sở của Không lực Mỹ tại châu Âu và Bộ chỉ huy Không quân liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo thống kê của Cơ quan Hậu cần quốc phòng Mỹ (DLA), gần 40% lượng dầu những cơ sở quân sự Đức sử dụng là nhập từ Nga. Như vậy, trang thiết bị quốc phòng Mỹ ở châu Âu cần có nguồn cung năng lượng Nga để hoạt động. Nếu Moscow sử dụng “con bài cắt giảm năng lượng” như đã từng làm với Ukraine, không chỉ mạng lưới điện của Berlin gặp khó mà thiết bị và hoạt động của cơ sở quân sự Mỹ cũng bị ảnh hưởng.
Bà Douris đánh giá Nord Stream 2 về bản chất giúp tăng sức mạnh địa chính trị của Nga cũng như mức độ “nghiện năng lượng Nga” của châu Âu. Tiền bán khí đốt có thể đem lại cho Moscow nhiều nguồn lực để tiến hành những “hành động thù địch”, và nước này cũng có thể lợi dụng tình trạng phụ thuộc để gây sức ép với Liên minh châu Âu (EU) hoặc chia rẽ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Biện pháp giảm phụ thuộc
Theo bà Douris, các cơ sở quân sự Mỹ ở nước ngoài cần thiết lập cho mình lưới điện nhỏ (microgrid), có khả năng hoạt động chung cũng như tách ra độc lập với lưới điện chính trong trường hợp mất điện. Đây là nguồn dự phòng tốt để tránh trường hợp việc cung cấp năng lượng bị bên ngoài kiểm soát.
Một số cơ sở đã có lưới điện nhỏ, như căn cứ thủy quân lục chiến H.M. Smith tại Hawaii. Năng lượng hạt nhân có thể được sử dụng để cấp điện cho mạng lưới.
Ngoài lập hệ thống cấp điện riêng, lưu trữ điện cũng là việc cần làm. Pin trong xe điện có thể là giải pháp tốt. Ví dụ, Nissan gần đây vừa giới thiệu hệ thống cho phép xe điện Leaf kết nối với một ngôi nhà, cung cấp điện cho nhà này trong hai ngày.
Cẩm Bình (theo The National Interest)