Nhà nghiên cứu nói gì về các di tích ở Huế đang 'rẻ hóa' thành quán cà phê, nhà hàng?
Du lịch - Ngày đăng : 13:00, 02/08/2018
>>Bài 5: Những di tích triều Nguyễn ở Huế đang 'rẻ hóa' thành nhà hàng, cà phê
P.V: Như đã biết, TTBTDT là đơn vị quản lý và cho thuê mặt bằng trên để kinh doanh cà phê nhà hàng. Theo ông, khai thác kinh tế di tích có ảnh hưởng gì đến yếu tố gốc của những di tích này?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Ở Việt Nam cũng như trên thế giới người ta đều có khai thác kinh tế để thu hút khách đến tham quan đồng thời có kinh phí để tu bổ cũng như phục hồi nguyên bản gốc của di tích. Nhưng những khai thác kinh tế đó không được vi phạm vào di tích, không làm cho di tích chìm trong hoạt động khai thác kinh tế. Các khai thác hiện nay tại Thừa Thiên Huế đã vi phạm vùng cấm của di tích, làm cho di tích bị chìm trong hoạt động khai thác và bao lâu nay các khai thác kinh tế không phục vụ cho việc nâng cao giá trị lịch sử của di tích.
Một điển hình đang xảy ra là toàn bộ sân vườn trước sau của nhà Đức Từ Cung trở thành một quán cà phê thời thượng, không những sát di tích mà còn nằm trong di tích. Vì thế, lúc đầu chủ trương làm văn phòng của Nguyễn Phước tộc nhưng vì hoạt động kinh tế và sát di tích đến như vậy đã không sử dụng, đến nay đã trở thành một quán cà phê, nhà hàng thời thượng. Nhà lưu niệm của bà Đức Từ Cung không còn được khách lui tới quan tâm! Di tích này được khai thác mấy năm, nhưng vẫn chưa thấy bổ sung những nét mới và khách tham quan ngày càng ít!
P.V: Hiện tại ngoài 3 di tích trên, có những di tích nào gặp tình trạng tương tự?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Tôi không có điều kiện đi tham quan hết các di tích đã đưa vào kinh doanh. Nhưng tôi nghĩ ngay nhà bà Từ Cung ở Trung tâm thành phố Huế mà cũng như vậy thì nơi khác cũng không có gì tốt hơn.
PV: Nếu khai thác kinh tế di tích trên thì mô hình nào phù hợp để không làm mất đi yếu tố gốc và phát huy giá trị di tích?
NNC Nguyễn Đắc Xuân: Theo nguyên tắc, các di tích phải được trùng tu tôn tạo và có vùng cấm để bảo vệ di tích. Ngoài vùng cấm có thể khai thác kinh tế nhưng loại hình kinh tế phải phù hợp với di tích. Không thể mở một quán nhậu ở bên cạnh những di tích mang tính văn hóa cao. Cái quan trọng cần kinh doanh là các mặt hàng góp phần nói lên giá trị của di tích. Ví dụ nhà lưu niệm của Đức Từ Cung, kinh doanh ở đó là những sách vở, tài liệu về cuộc đời bà Đức Từ Cung, đời sống văn hóa cung đình triều Nguyễn, văn hóa nghệ thuật trong đời sống của bà Hoàng Thái hậu, về dòng họ con cháu của Hoàng Thái hậu ... Những điều này chưa hề được thực hiện ở nhà lưu niệm Đức Từ Cung!
Trong tài liệu của bà Từ Cung để lại còn có một lá thư của vua Bảo Đại gửi cho mẹ, với bút tích của vua Bảo Đại như sau: “Con ra ngoài này được cụ Hồ rất thương, Ả (có nghĩa là Mẹ) đừng lo”.
P.V: Xin cảm ơn ông về những vấn đề chia sẻ!
Theo nhà văn Nguyễn Quang Hà(Huế), ông cho biết những hiện vật trong nhà bà Từ Cung trước đây cũng đã bị di dời sang một nơi khác và số hiện vật tại đây không đáng kể. Trước đây du khách nước ngoài ghé thăm di tích này rất nhiều nhưng hiện tại khá ít ỏi. Và ông cũng đề nghị đưa 3 di tích này trở về với bản chất vốn có của nó chứ không phải cho thuê để làm nhà hàng, cà phê. Ông cũng đưa ra cảnh báo tình trạng này đang tiếp tục xảy ra đối với một số di tích khác tại Huế!
Qua những thực tế điển hình hiện nay của một số di tích tại Huế, những ý kiến của dư luận, phương tiện truyền thông, những nhà nghiên cứu…liệu các di tích này có những thay đổi gì để đúng nghĩa phục hưng vốn có? Hay chỉ là những sợi dây rút kinh nghiệm để di tích bị rẻ hoá theo thời gian? Những câu hỏi này vẫn đang chờ đợi trả lời từ đơn vị quản lý di tích.
Phù Nam
>>Bài 1: Những gam màu chưa chịu sáng
>>Bài 2: Sông Hương bao giờ mới được xướng danh?
>>Bài 3: Những hình ảnh không đẹp dưới mắt du khách