Bộ Công an mang thiết bị hiện đại khôi phục bài thi gốc ở Sơn La
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:18, 01/08/2018
Xử lý nghiêm tiêu cực giáo dục
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra chiều 1.8, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng nêu ba vấn đề về kỳ thi THPT Quốc gia. Đầu tiên, Chính phủ khẳng định thái độ cương quyết trong xử lý các vi phạm, giao Bộ Công an và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; qua đó lấy lạilòng tin của người dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rà soát tất cả các phương án thi THPT quốc gia, trong đó có cả phương ángiao tự chủ cho các trường cao đẳng, đại học; báo cáo kết quả rà soát lên Chính phủ, Thủ tướng để cấp có thẩm quyền quyết định sau.
“Hiện Chính phủchưa bàn để quyết định thi hình thức nào mà tiếp tục thực hiện đúng luật, "có học có thi, đảm bảo thực chất và đảm bảo yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện", ông Dũng nói và cho rằng kết quả thiquốc gia THPT để xét tốt nghiệp phổ thông nhưng cũng dựa vào đó để các trường đại học, cao đẳng tuyển dụng. Cho nên kết quả này cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, chỗ này chỗ kia còn có kẽ hở bị lợi dụng, Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm khắc.
“Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã nhận trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và Nhân dân về những vụ việc tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua”, ông Dũng nói.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, liên quan đến vụ tiêu cực ở Sơn La đang khó khăn trong việc khôi phục dữ liệu gốc, tuy nhiên cơ quan công an đã mang đến cả những thiết bị hiện đại để khôi phục dữ liệu. “Tôi tin rằng thiết bị này sẽ khôi phục được dữ liệu gốc. Theo đó, căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan công an thì Bộ GT-ĐT sẽ có giải pháp”.
Về hình thức xử lý cán bộ vi phạm, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, theo phân cấp quản lý, lãnh đạoSở thuộc quyền quản lý của các tỉnh và lãnh đạo các tỉnh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Giải pháp năm tới, đại diện Bộ GD-ĐT nêu, theo như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trình bày thì thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ chấn chỉnh lại công tác tổ chức thi, chấm thi; rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan.
Cùng với đó là quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD-ĐT đối với các Hội đồng thi.
Tại cuộc họp Chính phủ vừa diễn ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, có ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ tổ chức thi ĐH, CĐ. Tuy nhiên, việc này không thực hiện được vì trái với Luật Giáo dục. Hơn nữa, nếu bỏ thi thì học sinh sẽ không học, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống, kết quả học tập của học sinh sẽ không được quốc tế công nhận. Việc Bộ đứng ra tổ chức thi ĐH, CĐ cũng không được vì vi phạm quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ mà Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã quy định.
Về vụ việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá là những sai phạm rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành.
“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.
Lam Thanh