Trung Quốc muốn xem xét thay đổi chiến lược trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 14:37, 02/08/2018
Theo các cố vấn thì Bắc Kinh đang cố gắng đánh giá tác động do xung đột thương mại đem lại lẫn quan điểm chính trị về vấn đề này tại Washington, qua đó khám phá khả năng khởi động lại các cuộc đàm phán mặc dù “thời cơ chưa chín muồi”.
Cũng theo các cố vấn, tuy không tránh khỏi có sai lầm nhưng giới lãnh đạo cường quốc châu Á nàyvẫn đang tăng cường nỗ lực tìm hiểu ý định thực sự của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Họ cũng rất tự tin sẽ thoát khỏi “cơn bão” chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những gì Trung Quốc đang làm là quá ít để giải quyết được những mối lo ngại chính của cuộc chiến. Điều này khiến họ phải trả một cái giá lớn hơn.
Lấy ổn định đối phó khó khăn
Chuyên gia Đằng Kiến Quần thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc (CIIS) nhận định Bắc Kinh chưa bao giờ gặp phải những thách thức nguy hiểm như lần này, do đó nước này cần một chiến lược bền vững trong lâu dài.
“Phải tiếp thu các bài học. Chúng ta không nên tham gia một cuộc chiến thương mại chỉ vì để chiến đấu. Đây không phải là hai đứa trẻ ném gạch lẫn nhau. Phải lên kế hoạch từng bước đi và tránh những mối họa tiềm ẩn sẽ gây nguy hiểm cho chiến lược lớn cũng như chính sách tổng thể của quốc gia. Chúng ta thua kém nền kinh tế lớn nhất thế giới ở một số mặt, nhưng có chiến lược dài hạn của riêng mình”, chuyên gia Đằng cho biết. Theo ông, Trung Quốc cần ưu tiên giữ vững ổn định chính trị- kinh tế trên hết, có như vậy mới đứng vững trước thách thức từ bên ngoài.
Chuyên gia này cũng cảnh báo người dân Trung Quốcvẫn chưa hiểu rõ nguy hại của một cuộc chiến thương mại, và nước này nên chuẩn bị tâm lý “bị mất mát” khi đương đầu với Mỹ.
Ổn định là vấn đề trọng yếu được bàn luận tại cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 31.7. Cơ quan này đã đặt tính an toàn lên trên tăng trưởng ngắn hạn, khi khẳng định Bắc Kinh cần tiếp tục tập trung vào công tác cắt giảm nợ, loại bỏ những bất thường trong hệ thống tài chính và tạo công ăn việc làm.
Nhu cầu xây dựng một nền tảng vững chắc nhằm đứng vững trước thách thức xuất hiện khi Trung-Mỹ vướng vào một cuộc xung đột có nguy cơ làm suy yếu thương mại cũng như trật tự thế giới. Cả hai nước đều đã đánh thuế số hàng hóa có tổng giá trị 34 tỉUSD của nhau.
Không dừng lại ở đây, chính quyền Trump còn có kế hoạch áp thuế suất 25%, thay vì 10%, với 200 tỉUSD hàng Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức dọa đáp trả nếu Mỹ tiếp tục hành động, đồng thời nhấn mạnh đàm phán giữa hai bên cần dựa trên niềm tin và quy tắc.
Nỗ lực để tái khởi động đàm phán
Jake Parker, Phó chủ tịch Thương hội Mỹ tại Trung Quốc (USCBC), cho biết chính quyền Bắc Kinh thời gian qua thường xuyên gặp đại diện các ngành nghề, để tìm hiểu quan điểm và cải thiện quan hệ.
“Họ cố gắng đánh giá đầy đủ tác động của động thái đánh thuế, đặc biệt là tác động với toàn nền kinh tế. Giới chức Trung Quốc rất quan tâm đến chuyện hoạt động tại Trung Quốc của doanh nghiệp nước ngoài bị thuế quan ảnh hưởng ra sao, tác động tiêu cực có thể có với việc sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài, suy nghĩ di dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, khuyến nghị Bắc Kinh bắt đầu nối lại đàm phán hay ý kiến về các ưu tiên mà quan chức nước này nên nhấn mạnh khi làm việc với đồng cấp Mỹ (nếu trường hợp tái thương lượng xảy ra) cũng được quan tâm”, theo ông Parker.
Tuy nhiên, ông Parker cho hay Trung Quốc cho đến lúc này vẫn chưa công khai giải quyết những mối quan ngại của Mỹ (ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ) để cho thấy họ nghiêm túc về khả năng tái khởi động đàm phán.
Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Bắc Kinhkhông thấy có triển vọng hai nền kinh tế lớn sớm nối lại đối thoại. Theo giáo sư: “Họ sẽ không quay lại bàn đàm phán cho đến khi cảm thấy được nền kinh tế của mình bị thiệt hại”.
Ông Thời cho rằng Trung Quốc phải trả giá đắt vì hành động chậm: “Trong những năm trước, Trung Quốc đã không hành động để ngăn chặn căng thẳng thương mại với Mỹ và châu Âu leo thang. Họ tăng cường kiểm soát nhà nước với nhiều hoạt động kinh tế trong lẫn ngoài nước, không mở cửa thị trường, gần như không làm gì để xoa dịu cơn giận của phương Tây”.
Không chỉ giới kinh doanh, Bắc Kinh còn tìm cách tiếp xúc với các đơn vị nghiên cứu để tìm hiểu cách nghĩ và cải thiện quan hệ với Mỹ. Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG) có trụ sở tại Bắc Kinh đã tổ chức một chương trình nghiên cứu với Viện Hudson của Washington.
Theo CCG, những hợp tác kiểu này có thể giúp giảm rào cản chính trị-kinh tế, cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ cho nghiên cứu chính sách và ra quyết định của giới chức hai nước.
Nhưng chuyên gia Đằng cho biết hợp tác đang gặp khó, vì phía Mỹ đang có thái độ cảnh giác. Ông tiết lộ Bắc Kinh đã gửi thư mời tham gia một chương trình trao đổi vào tháng 6 cho gần 60 nhà nghiên cứu Mỹ, nhưng chỉ có 14 người phúc đáp.
Cẩm Bình (theo SCMP)