Đại diện QLTT TP.HCM: Chính người dân góp phần cho hàng giả tồn tại
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:36, 03/08/2018
Chiều 2.8, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp báo để thông tin về tình hình nóng diễn ra thời gian vừa qua.
Thông tin tại họp báo, ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM nói rằng, cơ quan này đang phối hợp cùng tổ công tác của Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan kiểm tra toàn diện đối với Công ty cổ phần Con Cưng tại TP.HCM.
Kết quả đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã tạm giữ 119.813 đơn vị sản phẩm trong hệ thống cửa hàng Con Cưng để tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm như ghi nhãn hàng hóa chưa đúng quy định, chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng từ về hàng hóa...
Ông Bách cũng cho biết, hiện nay có tình trạng làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới để đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, Chi cục đã phối hợp với chợ Bến Thành, chợ An Đông… kiểm tra nhiều đợt, sau đó tạm lắng nhưng rồi trở lại như cũ. Mới đây, tại chợ Bến Thành, cơ quan chức năng đã phát hiện, tịch thu nhiều đồng hồ nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới.
“Chính người dân đã góp phần làm cho hàng giả, hàng nhái tồn tại. Hiện tại, thị hiếu, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn chưa cao, chưa quan tâm chống hàng giả. Người dân biết là giả, nhưng vẫn mua, góp phần làm cho hàng giả tồn tại”, ông Bách khẳng định.
Về việcnày,ông Võ Văn Hoan cũng cho rằnghành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng là không thể chấp nhận, bởi nó không chỉ ảnh hưởng niềm tin người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những vụ việc xảy ra gần đây có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng; còn đứng dưới góc độ nhà nước, chúng ta quản lý chưa tốt.
“Có 3 vấn đề cần bàn trong vụ việc này, một là chúng ta không quản lý tận gốc, ví dụ như việc quản lý những con đường nhập vào Việt Nam. Thứ hai, phải chống hàng nhái, hàng giả bằng luật pháp nhưng hiện nay phải nói xử phạt hành chính chưa mạnh, chưa đủ răn đe. Nếu như ngưng hoạt động hay thu hồi giấy phép các trường hợp hàng nhái, hàng giả thì có thể răn đe mạnh hơn.
Thứ ba là đội ngũthi hành pháp luật chưa đủ lực, chưa mạnh mẽ. Hiện nay, chúng ta có các trung tâm là tiêu thụ hàng gian, hàng rởm mà kiểm tra chưa tới, chưa để ý. Hàng giả chỉ bị phát hiện khi báo chí, người dân phản ánh, cơ quan chức năng sau đó vào cuộc xử lý.
Ví dụ như vụ Khaisilk, với các doanh nghiệp lớn chúng ta chủ động vào cuộc sớm, để doanh nghiệp biết mà điều chỉnh hành vi của mình chứ không đi sâu vào việc lừa đối người tiêu dùng. Bài họckinh nghiệm ở đây là cơ quan quản lý phải làm nhiều hơn nữa để không xảy ra những trường hợp hàng gian, hàng dối", ông Hoan nói thêm.
Do vậy, Chánh văn phòng UBND TP.HCM yêu cầu chính lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan cần tự nhận thấy trách nhiệm của mình, chủ động làm sớm, làm tốt hơn; điểm mặt cụ thể và xử lý tới nơi tới chốn các trường hợp vi phạm.
Phan Diệu