Mới có dệt may, rau quả là áp đảo 'sân nhà' Việt Nam
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 16:25, 03/07/2014
85% người tiêu dùng Việt ưa chuộng các sản phẩm dệt may, da giày thương hiệu Việt; 58% ưa chuộng thực phẩm, rau quả.
Trước khi có cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cách đây 5 năm, theo kết quả điều tra của Grey Group (Mỹ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, chỉ có 23% tin dùng các sản phẩm trong nước. Đến thời điểm này, đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công thương, kể từ khi phát động cuộc vận động, tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%.
Đến thời điểm giữa năm 2014, người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng…
Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỉ trọng lớn từ 80-90%. Cuộc vận động cũng góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu: năm 2012 và 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt trạng thái xuất siêu (2012 xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động đã xuất hiện một số bất cập, như việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối vẫn chưa đạt kết quả cao.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định tâm lý sính hàng ngoại của người Việt có thu nhập cao khó thay đổi. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất hàng Việt chưa tích cực quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng, chưa có chiến lược cụ thể cải thiện chất lượng, mẫu mã nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Hàng hóa sản xuất ra chưa đáp ứng được thị hiếu.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp Việt còn chưa coi trọng thì trường nội địa, chỉ chú trọng đến xuất khẩu. Vì khi gia nhập thị trường nội địa, các doanh nghiệp phải chuyển sang kinh doanh nhỏ lẻ và xây dựng lại hệ thống phân phối. Ngoài ra, sự kết hợp giữa các bộ ngành, địa phương lại không được đồng bộ.
Thực trạng chất lượng hàng hóa trên thị trường còn yếu kém, mà người Việt thì chưa quen với việc khiếu nại lên các cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trong năm 2013, Hội tiếp nhận và xử lý khoảng 1.000 vụ khiếu nại về chất lượng hàng hóa Việt Nam sản xuất. Trong đó, 70% số vụ khiếu nại liên quan đến chất lượng hàng hóa như thực phẩm, công nghệ, còn lại liên quan đến dịch vụ và các vấn đề khác.
Điều này cho thấy chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chưa thực sự được coi trọng, dẫn đến việc người tiêu dùng mất dần niềm tin với các sản phẩm nội. Vấn đề này cần được các doanh nghiệp nhận thức và tự cải thiện, nâng cao năng lực.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết sẽ đưa ra nhiều tiêu chí để các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, đồng thời tạo các tiền đề giúp liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà phân phối, đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa.
Theo Thùy Anh (VOV)