Phải xử lý hành vi biểu lộ tình cảm thái quá nơi công cộng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:01, 04/08/2018
Từ sự việc trên cho thấy, tình trạng một bộ phận giới trẻ hiện nay thường xuyên biểu lộ tình cảm thân mật thái quá nơi công cộng đang có chiều hướng gia tăng. Địa điểm thể hiện tình cảm thân mật có khi ở ngay trong quán cà phê, trà sữa, rạp chiếu phim, công viên hoặc nơi công cộng khác.
Biểu lộ tình cảm thân mật ở nơi công cộng về bản chất là tốt, thể hiện tình yêu thương, lãng mạn ở nơi công cộng; tình cảm đó khi thể hiện được mọi người chứng kiến thường đem lại cảm giác tự tin, tràn ngập yêu thương và nhận được sự tán dương thể hiện qua các hành vi như cặp đôi đang yêu có thể trao nhau một nụ hôn nhẹ nhàng, tặng quà để tỏ tình hoặc thể hiện sự quan tâm, chăm sóc để chứng minh cho tình yêu... Nhưng biểu lộ tình cảm thân mật một cách thái quá là một hành vi phản cảm, mất lịch sự, gây khó chịu cho mọi người xung quanh, làm ảnh hưởng đến trật tự cộng cộng.
Hành vi biểu lộ tình cảm thân mật thái quá của một bộ phận giới trẻ ở nơi công cộng là hành động thiếu ý thức, không tôn trọng mọi người xung quanh. Đặc biệt, hành vi này có thể ảnh hưởng đến tâm lý, bắt chước đối với trẻ em.
Do đó, hành vi này cần phải bị lên án và có biện pháp xử lý, ngăn chặn, góp phần giữ gìn văn hóa, văn minh nơi công cộng. Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này cho giới trẻ thì cần thiết phải có chế tài xử phạt đối với hành vi này để giáo dục, răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm.
Nhưng hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể để xử phạt đối với hành vi này. Trước đây, theo quy định tại khoản 1 điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ về xử phạt “vi phạm quy định về nếp sống văn minh”, thì hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000-100.000 đồng.
Tuy nhiên, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thay thế Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ lại không quy định về hành vi “vi phạm quy định về nếp sống văn minh”.
Chính vì vậy, để ngăn chặn hành vi biểu lộ tình cảm thái quá của một bộ phận giới trẻ hiện nay, thì việc ban hành quy định xử phạt hành chính đối với hành vi này là rất cần thiết, góp phần nâng cao ý thức cho giới trẻ và giữ gìn văn hóa nơi công cộng.
Đỗ Văn Nhân