“Đại biểu chơi game như thế là đã tự bãi nhiệm mình...“
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 06:25, 18/07/2014
Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ nói với phóng viên Một Thế Giới xung quanh việc đại biểu chơi game bằng điện thoại di động ngay trong kỳ họp thứ 14, HĐND TP.HCM khóa 8.
Theo ông Sơn, sở dĩ có những sự việc như vậy là có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc xây dựng chất lượng và giám sát đại biểu đang có vấn đề.
Thưa ông, với tư cách là một cử tri, ông đánh giá như thế nào về việc đại biểu chơi game trong cuộc họp HĐND?
Tất nhiên là rất thất vọng, thậm chí nhiều người bức xúc. Đại biểu cho nguyện vọng của dân mà vô cảm trước những bức xúc của dân, lơ đễnh ngay trong phiên họp thì không thể chấp nhận được.
Thật ra, việc này không phải là cá biệt. Không chỉ ở HĐND, thậm chí cả đại biểu Quốc hội cũng có người này người kia không nhận thức được trách nhiệm của mình.
Lãnh đạo HĐND thành phố cho hay đã nhắc nhở đại biểu chơi game rút kinh nghiệm, ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Trường hợp này đại biểu chỉ vi phạm nội quy nên chưa đến mức bị bãi nhiệm, vì bãi nhiệm là cả vấn đề. Tuy nhiên, về cái tâm mà nói, đại biểu hành xử như vậy có thể xem là đã “tự bãi nhiệm” mình rồi.
Nói thật, anh làm đại biểu của dân là làm vì sự thôi thúc cống hiến chứ không phải chỉ kiếm sống, kiếm chỗ đứng, ghế ngồi.
Theo ông, những đại biểu như thế có chiếm tỷ lệ cao trong các tổ chức dân cử không? Chất lượng của đại biểu hiện nay như thế nào?
Cái này ngay trong NQTW4 cũng đã có nói: “... Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước...”.
Cần nói thêm là hiện nay không có chế tài gì đối với các đại biểu phai nhạt hoặc lơ là trách nhiệm, trở thành “hội đồng ừ, hội đồng gật” vô cảm trước những bức xúc của dân.
Vì sao lại có những đại biểu như vậy, thưa ông?
Có nhiều yếu tố. Đầu tiên phải nói cách làm nhân sự bầu cử, ứng cử chưa thật sự khoa học, dân chủ, công tâm, cũng còn đôi lúc hình thức, chỗ này chỗ kia quá chú trọng cơ cấu xem nhẹ chất lượng.
Cán bộ yếu kém là do công tác tuyển chọn, đề cử, bổ nhiệm đề bạt chưa thật sự công khai, dân chủ, chưa lắng nghe hết ý kiến của quần chúng, việc thực hiện các quy trình đề bạt hình thức, lấy lệ.
Có khi một ai đó vào “diện quy hoạch” thì coi như đã vào guồng, tổ chức đảng đoàn thể ở các đơn vị này hầu như tê liệt, bị vô hiệu hóa.
Theo ông, phải xây dựng cơ chế như thế nào để bảo đảm chất lượng đại biểu và cán bộ nói chung?
Cái này đã đề ra rồi nhưng cái khó là làm và làm quyết liệt. Phải quy định trách nhiệm của cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ. Có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ.
Muốn làm tốt, trước mắt không có gì hơn phải sớm ban hành cơ chế giám sát khả thi, thiết thực, không hình thức, thật sự cầu thị, chia sẻ, thật sự dân chủ, lắng nghe... Thú thật những vụ việc vừa qua, đảng viên và nhân dân khó lòng giám sát cán bộ lãnh đạo. Họ biết hết nhưng nói với ai, ai nghe, ai xử lý và cuối cùng ai bảo vệ họ!?
Trong nhiều năm qua, quả thật chúng ta chưa an tâm với chất lượng sinh hoạt đấu tranh phê bình và tự phê bình trong nội bộ tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể... Cũng đã có nhiều nghị quyết, chủ trương nhưng chưa thật sự làm xoay chuyển tình hình.
Hiện tượng nể nang, thiếu cương quyết, thậm chí bao che đang làm xói mòn lòng tin, nhụt chí những ai còn tâm huyết thôi thúc muốn cống hiến.
Xin cảm ơn ông!
Kiến Giang (thực hiện)