Mỹ đang lạm dụng lệnh trừng phạt?

Quốc tế - Ngày đăng : 17:24, 06/08/2018

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hầu như tháng nào cũng ban hành lệnh trừng phạt. Điều này làm dấy lên lo ngại trừng phạt đang bị lạm dụng, đem đến nguy cơ đồng minh mất dần lòng tin vào Mỹ.

Tháng 2 thông thường là thời gian bận rộn để quan chức Mỹ công bố những lệnh trừng phạt của chính phủ. Bộ Tài chính trong tháng này đưa ra một gói trừng phạt, nhắm vào hàng chục tàu biển, công ty và nhiều thực thể có tham gia vận chuyển trái phép dầu cùng với than đá đến CHDCND Triều Tiên. Trước khi hết tháng, đến lượt nhiều đối tượng buôn ma túy Colombia, buôn lậu dầu Lybia lẫn vài cá nhân lạm dụng tình dục, tuyển mộ trẻ em làm binh lính ở Congo bị áp đặt trừng phạt.

Không chỉ có vậy, Washington còn ban hành nhiều trừng phạt hơn nữa với các nhóm khủng bố hoạt động tại Pakistan, Somaila, Philippines, Lebanon. Danh sách tổ chức bị xem là khủng bố của Bộ Ngoại giao đang ngày càng dài thêm.

Tuy nhiên hiện tại, hầu như tháng nào nước này cũng có “một rổ” lệnh trừng phạt, vì chính quyền Tổng thống Trump theo đuổi chính sách sử dụng kinh tế thay vì quân sự chống lại kẻ thù.

Trừng phạt gây chú ý nhất thường là những biện pháp áp đặt với chính phủ nước ngoài bị cho đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ, như Triều Tiên, Iran hay Nga. Nhưng song song đó, trừng phạt nhằm đối phó với các hành vị gây bất ổn khác đang tăng lên.

Lệnh trừng phạt đã có từ khoảng thời gian Mỹ lập quốc, nhưng chỉ được dùng thường xuyên kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9. 2001. Chúng được xem là công cụ hữu hiệu ngăn bọn khủng bố và đối tượng tài trợ tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, cũng như trừng trị quan chức tham nhũng hay những trường hợp vi phạm nhân quyền.

Nhưng tình trạng phụ thuộc vào trừng phạt dẫn đến lo ngại chúng bị lạm dụng như là phương cách hàng đầu trong đối ngoại, làm xói mòn lòng tin dành cho Mỹ của đồng minh, vốn đã lên tiếng phàn nàn rằng họ bị buộc phải “khuất phục” trước các lệnh trừng phạt và có thể giảm sử dụng đồng USD để tránh bị ảnh hưởng nhiều.

Công cụ đối ngoại hiệu quả

Giới chức Washington bác bỏ lo ngại nêu trên với dẫn chứng trừng phạt đã phát huy tác dụng trong việc khiến Iran và Triều Tiên chấp nhận đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách khủng bố và tình báo tài chính Sigal Mandelker khẳng định: “Chúng tôi suy xét rất chu đáo về cách thức triển khai công cụ này (trừng phạt)”.

Theo phân tích của công ty luật Gibson Dunn, chính quyền Tổng thống Trump trong năm 2017 đã đưa gần 1.000 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt, cao hơn nhiều so với người tiền nhiệm Barack Obama.

Judith Alison Lee, thành viên của nhóm cung cấp thông tin thương mại toàn cầu trực thuộc Gibson Dunn, cho hay: “Bị áp trừng phạt trong kinh tế giống như bị tuyên tử hình vậy. Biện pháp này rất hấp dẫn đối với các chính phủ, vì chúng không đòi hỏi phải thông báo trước, không phải trải qua thẩm định pháp lý và có tác dụng lập tức. Riêng với vị Tổng thống này (ông Trump) thì trừng phạt có sức hấp dẫn đặc biệt”.

Quan chức chính phủ Mỹ nhấn mạnh trong trường hợp ngoại giao bất lực, sử dụng trừng phạt như công cụ đối ngoại đã giúp đối phó được nhiều mối đe dọa.

“Chúng tôi xem xét đến trừng phạt khi chúng thích hợp. Thế giới chúng ta đang sống có mối nguy đi kèm với cơ hội. Chúng ta có lợi ích ở nhiều nơi, và cũng phải mang theo công cụ này đi khắp nơi”, một quan chức ngoại giao cấp cao phát biểu.

Chiến dịch trừng phạt của Mỹ buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán - Ảnh: SCMP

Không chỉ chính phủ, Quốc hội Mỹ cũng rất thích dùng loại công cụ này, nhất là khi giới nghị sĩ cho rằng Tổng thống hành động chưa đủ cứng rắn. Năm 2010, họ mở rộng trừng phạt với dầu mỏ của Iran. Đến năm 2017, Quốc hội thông qua luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA) nhằm vào Nga, Iran, Triều Tiên.

Những biện pháp của Washington là trừng phạt uy lực nhất thế giới, do phần lớn giao dịch toàn cầu đều được thực hiện bằng USD. Một khi được dùng để gây sức ép, chúng có thể khiến đối tượng bị áp dụng phải thay đổi hành vi.

Rủi ro của công cụ trừng phạt

Tuy vậy, giới chỉ trích cho rằng mở rộng trừng phạt chỉ khiến hiệu quả của chúng bị suy giảm. Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, lạm dụng đem lại rủi ro khiến doanh nghiệp tránh xa hệ thống thương mại do Mỹ xây dựng, cũng như làm vị thế của tiền tệ nước này bị lung lay.

Không những vậy, việc sử dụng trừng phạt càng khiến Washington khó lập được liên minh như đã từng làm được nhằm buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán. Nếu cứ đi theo con đường này, một số quốc gia sẽ tìm đồng tiền khác thay thế USD.

Do đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Tehran vào tháng 5 trước, chính quyền Trump sẽ tái áp đặt trừng phạt. Đợt trừng phạt đầu tiên dự kiến có hiệu lực đầy đủ vào đầu tháng 8 tới.

Trong khi đó, ba cường quốc Anh, Pháp, Đức quyết duy trì thỏa thuận hạt nhân, tuân thủ đúng cam kết của mình. Điều này có nguy cơ khiến châu Âu và Mỹ rơi vào thế đối đầu nếu Washington đưa ra trừng phạt thứ cấp, ngăn không cho các công ty lục địa già tiến hành hoạt động thương mại với quốc gia Trung Đông này. Căng thẳng sẽ còn leo thang sau ngày 4.11, khi trừng phạt cấm mua dầu Iran có hiệu lực.

Theo nhà phân tích Kelsey Davenport thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA): “Mỹ đặt nhiều nước vào thế khó. Một bên họ bị ràng buộc bởi nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một bên lại đối mặt với đe dọa từ Washington nếu không tuân thủ lệnh trừng phạt nước này ban hành. Nó làm trầm trọng thêm ác cảm với Mỹ”.

Giáo sư luật Orde Kittrie của đại học bang Arizona cũng chia sẻ: “Tôi là người ủng hộ trừng phạt. Biện pháp này giúp đạt được mục tiêu đối ngoại trong khi chỉ bỏ ra chi phí tối thiểu. Rẻ hơn nhiều khi động đến quân sự. Nhưng quan chức cần thận trọng hơn khi dùng đến trừng phạt, trong thực tế chúng đang được dùng để chống lại chính nước Mỹ”.

Cẩm Bình (theo The Washington Post)

Cẩm Bình