Samsung phàn nàn vì 3 lần bị hải quan cưỡng chế
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 11:43, 28/07/2014
Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các dự án đầu tư có nguồn vốn từ nước ngoài (FDI) đã gia tăng nhanh chóng, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách của Việt Nam.
Thời gian gần đây, số lượng các doanh nghiệp FDI có số lượng tăng mạnh do chuẩn bị cho Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và do sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang...
Đến nay Việt Nam đã có 16.589 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 239,7 tỉ USD. Trong đó Hàn Quốc đứng đầu về số lượng dự án, sau đó là Nhật Bản, Đài Loan…
Số liệu từ Bộ Công Thương |
Các dự án đầu tư mới cũng đang tăng đáng kể. Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tính đến 20.6 vừa qua, cả nước có 656 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đầu tư 4,85 tỉ USD, một số dự án tiêu biểu, Công ty CP Xi măng Thăng Long, Công ty TNHH bệnh viện quốc tế Đại An... Cho đến thời điểm này, đã có 219 lượt đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,99 tỉ USD.
Tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, khối doanh nghiệp FDI giúp giảm bớt căng thẳng về cán cân thương mại, từ chỗ thâm hụt cán cân thương mại đã chuyển sang xuất siêu.
Như vậy, có thể thấy vai trò doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu ngày càng lớn. Các mặt hàng dẫn đầu trong nhóm xuất khẩu đều có sự góp mặt của doanh nghiệp FDI, điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng…
Số liệu từ Bộ Công Thương |
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cả nước đạt 70,88 tỉ USD, trong đó doanh nghiệp FDI ước đạt 47,8 tỉ USD. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Các doanh nghiệp FDI luôn đóng góp rất lớn trong tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nếu năm 1989 khối FDI chỉ chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của cả nước thì đến 6 tháng đầu năm nay tỉ lệ này đã chiếm khoảng 67,5%.
Tại buổi gặp gỡ, trao đổi với các DN FDI tuần trước, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cho biết, các trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu theo vùng của khối FDI đang kéo theo chuỗi doanh nghiệp vệ tinh, công nghiệp phụ trợ góp phần chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu đãi, những tăng trưởng lớn, các doanh nghiệp FDI cũng gặp phải nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Samsung Vina (thuộc tập đoàn Samsung) ông Hồ Huy Thế, cho biết Công ty Samsung được xếp vào nhóm doanh nghiệp được ưu tiên đặc biệt nhưng từ ngày 1.7 vừa qua, khi áp dụng hệ thống hải quan điện tử mới thì doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn.
Cho đến nay, công ty Samsung Vina đã 3 lần bị cưỡng chế thủ tục hải quan liên quan đến vấn đề nợ thuế. Theo đại diện công ty này thì công ty không thể thông quan hàng hóa do hệ thống cập nhật giữa các hóa đơn quá chậm, thế nhưng dù Công ty đã chứng minh lỗi do hệ thống nhưng vẫn bị cưỡng chế.
Theo ông Thế, công ty Samsung là tập đoàn quốc gia nên mọi hoạt động xuất khẩu đều rất chặt chẽ, nhưng việc phải dừng hoạt động trong vài ngày không chỉ ảnh hưởng đến vật chất mà còn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đối thủ.
Cũng liên quan đến thủ tục Hải quan, công ty Tinamex tại Khu chế xuất Linh Trung 2 cũng ảnh hưởng khá nhiều do thông tin sai lệch đăng trên trang website của Cục thuế TP.HCM.
Ông Nguyễn Minh Sang, đại diện công ty cho biết Tinamex đang vướng vụ kiện với Cục thuế TP.HCM về vấn đề áp dụng thuế nhà thầu chưa đúng đối tượng với công ty từ năm 2009-2012 và bị phong tỏa tài khoản doanh nghiệp và tuyên bố hủy hóa đơn doanh nghiệp đang sử dụng.
Vụ việc được Tòa án TP.HCM thụ lý từ 2.4 đến cuối tháng 4.2014, tuy nhiên trên trang web của Cục thuế TP.HCM, Tổng cục thuế đều đăng tải thông tin rằng “doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. Điều này đã khiến công ty thiệt hại qua nặng nề, ông Sang cho hay.
Không chỉ có vướng mắc thủ tục hải quan, các doanh nghiệp còn vướng mắc khá nhiều vấn đề khác.
Ông Huỳnh Trọng Bình, Giám đốc Xuất nhập khẩu, Công ty thép Vina Kyoei cho rằng khi làm thủ tục hải quan, Công ty khai báo số lượng nhập khẩu theo hợp đồng, nhưng khi thực hiện giám định, kết quả số lượng thực nhập có chênh lệch tăng so với số lượng khai báo trên tờ khai. Khi nộp thuế, cơ quan Hải quan yêu cầu nộp thuế cho số lượng khai báo và đóng phần phạt chậm nộp kể từ ngày mở tờ khai cho số lượng hàng vượt.
Theo đại diện Công ty, hàng xá không thể có số lượng chính xác, nên đề nghị cơ quan Hải quan chỉ yêu cầu Công ty nộp phần thuế cho số lượng nhập khẩu chênh lệch, không nên tính phạt chậm nộp cho mức thuế này.
Hầu hết những thắc mắc của doanh nghiệp đều được đại diện các Cơ quan trả lời và hướng dẫn các thủ tục, để tiếp tục giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Thanh Hương