Phát hiện 3 ổ dịch cúm A/H5N6, nguy cơ lây lan rất cao
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:51, 07/08/2018
Theo Cục Thú y, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút CGC (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Theo đó, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống CGC; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có mẫu giám sát cho kết quả dương tính với các chủng vi rút CGC có nguy cơ gây bệnh ở gia cầm và gây bệnh ở người.
Đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút CGC và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (Công văn số 2904/TY-DT ngày 28.12.2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Cục Thú y yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật.
Tại địa phương có ổ dich như Hải Phòng, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thuộc thành phố Hải Phòng đã phun khử trùng tiêu độc các hố chôn hủy và khu vực xung quanh ổ dịch đúng quy định; tổ chức trực 24/24 giờ tại 4 chốt kiểm dịch ra vào ổ dịch.
Bên cạnh đó, thực hiện thống kê đàn gia cầm nuôi và tổ chức giám sát chặt chẽ đàn gia cầm tới tận các hộ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Kết quả, không phát sinh gia cầm bị bệnh; tại các địa phương khác của thành phố, tình hình đàn gia cầm phát triển ổn định, không phát hiện gia cầm ốm, chết do mắc cúm gia cầm.
Tại Nghệ An, cơ quan chuyên môn đã triển khai tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm, đã tiêm 24.000 liều vắc xin, đạt 65,74% tổng đàn của xã Diễn Liên thuộc huyện Diễn Châu; thực hiện tiêu độc khử trùng vùng dịch và vùng uy hiếp.
Cùng với đó là thành lập đội kiểm tra cơ động ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển đưa gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào vùng dịch, tạm thời đình chỉ việc giết mổ, mua bán, tiêu thụ gia cầm, trên địa bàn xã Diễn Liên cho đến khi khống chế được dịch theo quyđịnh.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các khối, xóm trưởng và nhân dân tăng cường giám sát, phát hiện và báo cáo ngay các trường hợp gia cầm ốm, chết bất thường; tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh xã, xóm các biện pháp phòng chống dịch.
CúmH5N6 là gì?
Tờ scienceworldreport cho biết chủng H5N6 được xem là loại cúm gia cầm có khả năng gây bệnh thấp, từng được tìm thấy trên các loài chim hoang dã ở Đức, Thụy Điển và Mỹ. H5N6 từng sử dụng trong văcxin cho gia cầm và được tìm thấy trong những con chim di trú ở Đài Loan.
Chủng cúm này có thể gây ốm nặng cho người, nhưng chủ yếu nguy hiểm cho một vài nhóm có thể trạng yếu, như người bị hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim, HIV/AIDS, ung thư cũng như người trên 65 tuổi, thai phụ và trẻ em dưới 5 tuổi.
Tuy nhiên, từ tháng 4.2014, các ca nhiễm cúm H5N6 ở người xảy ra tại Trung Quốc. Ít nhất 6 người đã tử vong. Tại Hàn Quốc và một số quốc gia khác, nhà chức trách đã phải tiêu hủy hàng vạn con gia cầm nhiễm loại cúm này.
GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế từng trả lời báo chí rằng sự xuất hiện virus cúm A/H5N6 trên gia cầm ở nước ta đang nối dài danh sách những chủng virus cúm gây bệnh cho người.
“Mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N6 được đánh giá tương đương A/H5N1. Sự trở lại của cúm A/H5N1, việc tồn tại của cúm A/H1N1, nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập và sự xuất hiện của chủng cúm mới A/H5N6 là thực sự đáng lo ngại vì những biến đổi khó lường của virus cúm. Chúng đặc biệt nguy hiểm bởi cơ thể người chưa có kháng thể chống lại những virus mới, trong khi đặc tính của virus cúm là luôn biến đổi để thích nghi”,GS Huấn nói.