Thủ tướng chỉ đạo nhiều vấn đề “nóng” về giáo dục - đào tạo

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 19:45, 26/08/2014

Chiều 26.8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã chủ trì phiên họp Ủy ban, thảo luận, cho ý kiến liên quan đến đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân, Chương trình sách giáo khoa (SGK) và phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Kết luận cuộc họp, về định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng một số vấn đề liên quan đến giáo dục phổ thông như số năm học, tổ chức trường chuyên cần được nghiên cứu tiếp.

Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải được chuẩn hóa lại từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo hướng liên thông mở, có sự quản lý thống nhất giữa Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH.

Hệ thống ĐH phân loại thành ĐH nghiên cứu và ĐH nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương biên soạn chương trình chuẩn, thống nhất, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các phương án biên soạn SGK để báo cáo Quốc hội.

Chỉ đạo về kỳ thi THPT quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu việc tổ chức một kỳ thi được sự đồng thuận xã hội, nổi rõ nhất là 2 yêu cầu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH.

Đối với 3 phương án của Bộ GDĐT, Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân kể cả phương án của các đại biểu đưa ra tại phiên họp cũng như phương án do ĐHQG Hà Nội đề xuất. Từ đó lựa chọn phương án tối ưu, căn bản tạo thuận lợi cho học sinh.

Bộ GDĐT sớm lựa chọn phương án để công bố. Bộ chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người dân, xã hội hiểu và ủng hộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Các phương án đổi mới hệ thống giáo dục

Trước đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo có nêu trước mắt giữ cơ bản hệ thống giáo dục nhưng có những vấn đề cần phải xem xem xét ngay vì liên quan đến đổi mới chương trình - SGK.

“Đối với giáo dục phổ thông thì chương trình, SGK sẽ đổi mới theo định hướng tích hợp ở dưới, phân hóa ở bên trên, sâu theo năng khiếu. Bậc giáo dục ĐH thì có phân loại thành ĐH nghiên cứu, ứng dụng, thực hành, cần đáp ứng 2 yêu cầu: tương thích quốc tế; đảm bảo tính liên thông mở để xây dựng xã hội học tập suốt đời”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề.

Trong báo cáo tóm tắt định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Bộ GDĐT đã đề xuất: Phương án giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (9 năm giáo dục cơ bản + 3 năm THPT); phương án thêm 1 năm ở bậc THCS (10 năm giáo dục cơ bản + 2 năm THPT).

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã phân tích thêm về những ưu điểm, hạn chế của cả hai phương án trên.

Đối với đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp và ĐH, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất cơ bản về hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề.

Theo đó, sẽ tiến hành sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp ở quận/huyện; các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề; cao đẳng và cao đẳng nghề. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển mô hình trường cao đẳng cộng đồng tại các địa phương, tổ chức đào tạo nhân lực ở các cấp trình độ sơ cấp nghề; trung học nghề và cao đẳng nghề.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục đại học sẽ được phân loại theo 2 hướng: nghiên cứu và nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành. Bên cạnh đó, sẽ hình thành một số trường ĐH triển khai chương trình đào tạo theo cả 2 hướng trên.

Đồng tình tách riêng chương trình và SGK

Góp ý về đổi mới chương trình và SGK để trình Quốc hội xem xét, các thành viên Ủy ban đồng tình với chủ trương tách riêng hai khâu này.

Từ đó, cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ SGK, còn chương trình là căn cứ kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Ngoài việc biên soạn chương trình chuẩn, Bộ GDĐT cũng xin ý kiến về phương án Bộ trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; hoặc ngay từ đầu Bộ GDĐT chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK được biên soạn.

Nhiều thành viên bày tỏ sự quan tâm đối với chủ trương áp dụng triển khai bộ SGK mới đồng loạt ở các cấp học thay cho cách làm cuốn chiếu trước đây, mất nhiều thời gian hơn.

Chương trình giáo dục phổ thông, theo đề xuất của Bộ GDĐT, được tập trung đổi mới ở từng cấp học theo hướng tăng cường các môn và chủ đề tích hợp ở tiểu học và THCS; phân hóa mạnh với việc tăng các môn tự chọn, giảm số môn bắt buộc ở THPT.

Số chủ đề và các hoạt động giáo dục trải nghiệm tự chọn được tăng lên nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo tiền đề để phân luồng sau THCS và THPT.

Xem xét phương án tổ chức kỳ thi phù hợp

Tại phiên họp, Bộ GDĐT đã lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban về những phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vừa qua Bộ GDĐT và các cơ quan truyền thông mới tập trung thi môn gì nhưng còn 2 vấn đề khác là tổ chức thi như thế nào cho trung thực và quan trọng hơn là đổi mới rất lớn trong công tác sử dụng kết quả kỳ thi chung vào xét tuyển ĐH ít được góp ý.

“Việc học sinh sau khi có kết quả thi mới đăng ký vào các trường ĐH, CĐ là một đổi mới rất lớn, có ý nghĩa quan trọng trong kỳ thi quốc gia sắp tới”, Phó Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết kỳ thi THPT quốc gia sẽ kế thừa những mặt mạnh, những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như những ưu điểm của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “ba chung”.

Trong đó, quan điểm được thống nhất về nguyên tắc là 1 kỳ thi quốc gia, đảm bảo trung thực, làm cơ sở xét tuyển cho các trường ĐH. Công tác tổ chức coi thi, chấm thi sẽ được tiến hành theo cụm do các trường ĐH, CĐ chủ trì. Đề thi gồm các câu hỏi ở 4 trình độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao với phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa năng lực học sinh, Bộ trưởng Bộ GD ĐT cho biết thêm.

Bên cạnh 3 phương án thi đã được Bộ GDĐT lấy ý kiến rộng rãi dư luận thời gian qua, Giám đốc ĐHQG TPHCM Lê Thanh Bình cho rằng có thể xem xét thêm phương án tổ chức kỳ thi với một bài thi tổng hợp để đánh giá trình độ học sinh với đề thi kiểm tra kiến thức, năng lực học sinh từ mức tốt nghiệp THPT đến tuyển sinh vào ĐH giống như phương án của ĐHQG Hà Nội.

Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết trường đã xây dựng đề án tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án 1 bài thi tổng hợp trong kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới. “Ưu điểm của bài thi tổng hợp là đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh, đồng thời, các em có thể thi nhiều lần, hoàn toàn trên máy tính. Chúng tôi cũng đang đề xuất để một nhóm các trường ĐH cùng sử dụng kết quả bài thi tổng hợp này”, ông Nhạ cho biết thêm.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết các trường ĐHQG có thể áp dụng phương án thi tiên tiến, đi trước và ĐHQG Hà Nội cũng có thể làm việc với các cục, vụ chức năng của Bộ này để có thể xem xét việc công nhận tốt nghiệp đối với những học sinh hoàn thành bài thi tổng hợp của ĐHQG Hà Nội ở mức độ nhất định.
>> Clip đổi bằng lái xe chỉ 15 phút ngay trước sở GTVT
>> Nữ CSGT “kêu cả tập thể làm sao chỉ truy tố mình tôi” bị phạt 14 năm tù
>> Bộ trưởng Thăng và những tin nhắn thần thánh
>> Hơn một “sư đoàn” lao động Trung Quốc sắp đến Hà Tĩnh?
>>Vợ Giám đốc sở giáo dục TP.HCM được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường chuyên Lê Hồng Phong
>> Mục đích chuyến thăm TQ của Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh
>> Hai con sư tử đá án ngữ trước UBND tỉnh Hà Tĩnh
>> Bắt đối tượng người TQ giả công an lừa đảo
>> Đi tìm bản sắc Việt: Chỉ có một giọng Việt
>> Toà nhà 13 tầng bị san phẳng trong tích tắc dưới pháo kích ở Gaza

Theo TTXVN