Thường vụ QH khai mạc phiên 26, bổ sung nhiều nội dung, xem xét việc phong tướng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:00, 08/08/2018
Nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chuẩn bị hồ sơ
Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biếtphiên họp thứ 26 dự kiến tiến hành từ ngày 8-13.8. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 dự án luật như:Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòngchống tham nhũng (sửa đổi) và 1 dự án trình Quốc hội lần đầu là dự án Luật Kiến trúc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; về điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 của Bộ Tài chính (chuyển từ Tổng cục Thuế sang Tổng cục Hải quan).
Ngoài ralà việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của bộngành giai đoạn 2016-2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu tư dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP.HCM theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14; việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Irelandcho Chương trình 135.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc cử ủy viên Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia; thành viên Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; xem xét cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ chức danh của sĩ quan cấp tướng của đơn vị mới thành lập của Bộ Quốc phòng;tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016” và tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biếtphiên họp này có một số nội dung mới được bổ sung nhưng do yêu cầu cấp bách cần được xem xét cho ý kiến để Chính phủ kịp thời triển khai thực hiện nên việc chuẩn bị tài liệu gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chậm chễ.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hộilưu ý Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần lưu ý nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội; khắc phục những bất cập hạn chế trong công tác phối hợp hoạt động của các cơ quan hữu quan.
“Nếu các cơ quan không bảo đảm chuẩn bị tài liệu theo đúng quy định thì sẽ không đưa vào nội dung chương trình phiên họp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chỉnh lý nhiều nội dung dự luật Đặc xá
Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảoLuật Đặc xá (sửa đổi).
Theo báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), về thời điểm đặc xá (điều 5 dự thảo luật), báo cáo đề nghị được giữ nguyên 3 thời điểm đặc xá như dự thảo luật của Chính phủ trình; không quy định thời điểm, tần suất cụ thể đặc xá mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Về các trường hợp không đề nghị đặc xá, báo cáo bổ sung các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về một số tội quy định tại Chương 13 (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương 26 (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và Tội khủng bố (Điều 299) của BLHS. Quy định này là chặt chẽ, phù hợp và qua thực tiễn thi hành không phát sinh vướng mắc, khó khăn.
Đề cập đến việc thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài, báo cáo nêu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để không làm phát sinh thêm điều kiện đặc xá với phạm nhân là người nước ngoài và tránh cách hiểu có sự phân biệt đối xử giữa phạm nhân là người Việt Nam với phạm nhân là người nước ngoài, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng cơ bản giữ lại quy định của điều 19 luật hiện hành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Đồng thời, bỏ quy định tại khoản 5 điều 14 của dự thảo luật: Đối với người nước ngoài, trong hồ sơ đề nghị đặc xá cần có văn bản đồng ý tiếp nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân nếu được đặc xá.
Liên quan đến việc đặc xá trong trường hợp đặc biệt, dẫn chứng báo cáo tổng kết Luật Đặc xá chỉ ra rằngtrong 10 năm qua chỉ có 14 người được đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước và quá trình thực hiện không phát sinh vướng mắc.
Do đó, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, báo cáo đề nghị tiếp tục giao cho Chủ tịch nước quyền chủ động quyết định mà không quy định cụ thể thế nào là “trường hợp đặc biệt”.
Đồng thời, điều 22 của dự thảo luật chỉnh lý đã quy định rõ các đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phạt tù chung thân để phân biệt với các đối tượng được đặc xá nhân ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước.
Lam Thanh