Hiệp hội Thép ‘cầu cứu’ Bộ TN-MT sau lệnh ‘siết’ nhập khẩu phế liệu

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:13, 08/08/2018

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xin xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu sắt thép vụn để đảm bảo nhu cầu sản xuất thép trong nước.

Theo VSA, hiện nay trên thế giới có 2 loại nguyên liệu chính để sản xuất thép là quặng sắt và sắt thép vụn. Năm 2017, thế giới đã sử dụng 2.075,7 triêu tấn quặng sắt và khoảng 650 triệu tấn thép phế liệu để sản xuất ra 1.689 triệu tấn thép.

Đối với công nghệ lò điện, sắt thép vụn chiếm 100% đầu vào của nhà máy, còn đối với công nghệ lò cao lò chuyển, thép phế liệu và vảy cán chiếm khoảng 30% tổng nguyên liệu đầu vào. Sắt thép vụn cũng được coi là nguồn nguyên liệu dồi dào với dự báo nguồn cung sẽ đạt khoảng 1 tỉtấn vào năm 2030 và 1,3 tỉtấn vào năm 2050.

Tại Việt Nam, sản lượng sản phẩm phôi thép được sản xuất bằng công nghệ lò điện sử dụng sắt thép vụn làm nguyên liệu đã tăng mạnh trong giai đoạn 2013 - 2017, từ 4,9 nghìn tấn lên 7,4 nghìn tấn.

Theo VSA, do nguồn cung cấp sắt thép vụn thu gom ở trong nước mới chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu cho sản xuất nên Việt Nam sẽ sử dụng khoảng 60% nguyên liệu sắt thép vụn từ nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thép.

Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2017, nhu cầu sắt thép vụn đã tăng mạnh từ 5,6 nghìn tấn lên 9 nghìn tấn. Trong đó, thu mua trong nước tăng từ 2,3 nghìn tấn lên 4,4 nghìn tấn; nhập khẩu tăng từ 3,2 nghìn tấn lên 4,6 nghìn tấn.

Dự báo nhu cầu nhập khẩu sắt thép vụn sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, lần lượt là 5,7 nghìn tấn (2018), 6,4 nghìn tấn (2019), 6,7 nghìn tấn (2020).

Hiệp hội Thép đánh giá việc sản xuất thép từ sắt thép vụn là công nghệ thân thiện với môi trường do chỉ phát thải khí nhà kính bằng 1/5 so với công nghệ sản xuất thép từ quặng sắt. Ví dụ với sản lượng ước đạt 7,5 triệu tấn phôi thép bằng công nghệ lò điện năm 2018, Việt Nam sẽ tiết kiệm gần 13 triệu tấn quặng sắt, 2,51 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), giảm 14 triệu tấn CO2 so với sản xuất bằng công nghệ lò cao.

“Hơn nữa, việc sử dụng thép phế liệu để sản xuất thép còn tiết kiệm được tài nguyên, đảm bảo phát triển bền vững, suất đầu tư thấp, tính linh hoạt trong sản xuất cao”, VSA nhấn mạnh.

Do đó, VSA kiến nghị các cơ quan nhà nước tiếp tục xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu sắt thép vụn để làm nguyên liệu sản xuất phục vụ cho các nhà máy thép đang hoạt động và sẽ đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng đề nghị các cơ quan hữu quan xây dựng và ban hành các chế tài xử lý nghiêm minh với các đơn vị nhập khẩu sắt thép vi phạm các quy định của pháp luật, gây tác hại tới môi trường.

VSA cũng đồng thời đề nghị các bên áp dụng hình thức quản lý rủi ro để phân luồng các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng sắt thép vụn nhập khẩu có đủ nguyên liệu thường xuyên, ổn định phục vụ sản xuất.

Trước đó, trước các diễn biến phức tạp của tình hình nhập khẩu phế liệu, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có thông tin mô tả hàng hóa trên bản lược khai hàng hóa hoặc doanh nghiệp khai tên hàng nhập khẩu trên tờ khai hải quan là sắt, thép, nhựa, giấy đã qua sử dụng có mã số hàng hóa khác với mã số hàng hóa là phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg.

Tổng cục cũng yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ liên quan tiếp thu ý kiến để ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng hiện nay.

Cho rằng đây là vấn đề cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống nhân dân. Vì vậy, cần phân công trách nhiệm rõ ràng về vấn đề này.

Thủ tướng nêu rõ, cần điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng; làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe.

Lam Thanh

Trí Lâm