Trưởng Ban Dân nguyện: Cử tri thực sự nuối tiếc tính nghiêm túc của kỳ thi đại học trước đây
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:24, 08/08/2018
Là đại biểu đầu tiên phát biểu tại phiên họp chiều 8.8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn đặt vấn đề: “Thi hay không thi tốt nghiệp phổ thông đang là vấn đề rất nóng. Vừa qua việc giao cho địa phương tổ chức kỳ thi “2 trong 1” này đã xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, rất cần thận trọng xin ý kiến thêm để có quyết sách đúng và trúng. Cá nhân tôi đề nghị tiếp tục lắng nghe thêm, lùi lại một kỳ, để kỳ họp thứ 7 quyết thì “chín hơn”; đồng thời cũng để cử tri, nhân dân yên tâm là Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc thấu đáo, toàn diện vấn đề”.
Cùng quan điểm cần thêm thời gian để tập hợp, tiếp thu các ý kiến, tạo đồng thuận trong xã hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết đã nhận được phản ánh của nhiều cử tri và chuyên gia cho rằng, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tới 98% nghĩa là với 1 triệu thí sinh chỉ lọc ra khoảng 200 em trượt (2%) thì tổ chức cả một kỳ thi vừa tốn kém, vừa tạo ra tâm lý căng thẳng cho phụ huynh, học sinh và cả cán bộ ngành giáo dục là không cần thiết. Nhưng nếu không thi, ngành giáo dục phải trả lời được câu hỏi là việc dạy, học sẽ như thế nào, có đảm bảo nghiêm túc như khi có tổ chức thi hay không? Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định vẫn nghiêm túc thì không cần phải thi.
“Tuy nhiên cá nhân tôi, với 15 năm kinh nghiệm giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa thì vẫn nghiêng về phương án có thi tốt nghiệp”, bà Hải nói.
Trưởng Ban Dân nguyện lưu ý thêm, nếu vẫn giữ thi "2 trong 1" thì khâu tổ chức thi, cơ sở hạ tầng, ngân hàng đề thi… đều phải rà soát lại. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, cũng nên tham khảo cả phương án 3 là tổ chức 2 kỳ thi.
“Không phải là quay lại như cũ, mà điểm thi tốt nghiệp THPT là để tham khảo cho các trường đại học khi tuyển sinh. Cử tri thực sự nuối tiếc tính nghiêm túc của kỳ thi đại học trước đây”, bà Hải nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị tiếp tục xem xét thêm.
Đáng lưu ý, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề xuất phương án trưng cầu ý dân “để quyết định cuối cùng thể hiện được ý chí chung”.
Anh Phương/SGGP