Trung Quốc mạnh tay xử lý minh tinh trốn thuế
Quốc tế - Ngày đăng : 18:43, 14/08/2018
Cuộc điều tra có sự phối hợp giữa các cơ quan thuế, giám sát giao dịch ngoại hối, điều tra tội phạm tài chính, quản lý xuất bản, phát thanh và thể thao. Đối tượng bị nhắm đến là diễn viên, người mẫu, nhân vật nổi tiếng trên truyền hình cùng ngôi sao thể thao.
Việc mở chiến dịch điều tra được giới chức Bắc Kinh thực hiện giữa lúc chuyện người nổi tiếng trốn thuế trở thành đề tài nóng thời gian qua.
Chiêu trò trốn thuế
Do người dân ngày càng có tiền chi cho nhu cầu giải trí, nên doanh thu của các bộ phim hay chương trình truyền hình đã tăng vọt trong thời gian qua, qua đó giúp không ít nghệ sĩ trở thành triệu phú.
Vào tháng 6, người dẫn chương trình Thôi Vĩnh Nguyên tiết lộ về “hợp đồng âm-dương” (hợp đồng trình cơ quan thuế và hợp đồng thật có giá trị không giống nhau) trong giới giải trí nhằm lách luật nộp thuế thu nhập.
Một biện pháp khác chính là bỏ tiềnthành lập công ty điện ảnh hay đơn vị sản xuất riêng. Mức thuế cao nhất ở Trung Quốc là 45%. Để tránh các loại thuế này, người có thu nhập cao chuyển thù lao sang các công ty pháp nhân của chính họ đạt đủ điều kiện được xem là doanh nghiệp nhỏ, chỉ cần đóng 6% thuế.
Không những vậy, chính quyền một số thành phố kém phát triển còn đưa ra vô vàn sáng kiến cắt giảm thuế, qua đó biến địa phương mình thành “thiên đường thuế” của ngành giải trí. Đây là lý do tại sao tại những nơi như Vô Tích (Giang Tô) hay Korgas (Tân Cương) lại có không ít công ty điện ảnh và đơn vị sản xuất.
Trong năm 2017, Trung Quốc có mức thu ngân sách thấp nhất trong 30 năm qua. Việc Mỹ cắt giảm thuế càng khiến Bắc Kinh phải chấn chỉnh công tác quản lý để tránhtình trạng dòng vốn chảy ra ngoài.
Theo giảng viên Tôn: “Chính quyền Bắc Kinh cần cắt giảm thuế cho cá nhân lẫn doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và tiêu dùng, trong khi phải bịt kín bất cứ sơ hở nào trong hệ thống thuế để vẫn duy trì được nguồn thu ngân sách. Trong nỗ lực này, giới siêu giàu có khả năng trở thành mục tiêu bị điều tra”.
Một vấn đề khác mà chiến dịch điều tra vừa được khởi động phải xử lý là hành vi chuyển tiền phi pháp, trái với chính sách kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn mà chính phủ đang tiến hành.
Trong năm nay, giá trị đồng nhân dân tệ so với USD đã giảm đến 5%. Điều này khiến không ít người dân Trung Quốc quyết định chuyển bớt tài sản của mình sang nơi an toàn ở nước ngoài.
Quyết xử lý đến cùng
Sau khi người dẫn chương trình Thôi Vĩnh Nguyênvạch trần chuyện ngôi sao điện ảnh Phạm Băng Băng dùng “hợp đồng âm-dương” để trốn thuế, cục thuế Giang Tô đã tiến hành điều tra nhưng không thể tìm ra chứng cứ sai phạm gì. Vì vậy mà một đội điều tra mới đã được thành lập, do một quan chức cấp cao ngành công an cùng chuyên gia có kinh nghiệm xử lý tội phạm thương mại và rửa tiền đứng đầu.
Áp lực từ những cuộc điều tra trốn thuế thời gian qua đã khiến giá trị cổ phiếu của 11 hãng phim Trung Quốc giảm mạnh. Một số dự án phim cũng bị ảnh hưởng.
Theo nhà sản xuất của một bộ phim, nếu nghĩa vụ thuế của tất cả đoàn làm phim bao gồm cả diễn viên được tính đầy đủ, thì chi phí tăng thêm đến 30%. Hiện công ty sản xuất phim này phải cắt giảm ngân sách cho thiết kế nghệ thuật và hiệu ứng, vì các minh tinh tham gia không chấp nhận hưởng mức cát sê bèo bọt, vốn đã chiếm đến 25% chi phí làm phim.
Hiện đã có ít nhất 9 đơn vị sản xuất phim lớn tuyên bố chấm dứt tình trạng trả thù lao cao ngất ngưởng cho nghệ sĩ. Các hãng này đặt ra mức tối đa 1 triệu nhân dân tệ cho mỗi tập, và 50 triệu nhân dân tệ cho toàn phim.
Đặc biệt, tổng tiền thù lao bị giới hạn ở mức 40% kinh phí sản xuất, với diễn viên chính không được trả số tiền vượt quá 70% cát sê toàn ê kíp diễn viên.
Cẩm Bình (theo SCMP)