Hiệp hội Nhựa nêu kiến nghị để giải quyết khó khăn đầu vào

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:57, 14/08/2018

Tại buổi họp chủ đề "Tái chế nhựa phế liệu, cơ hội cho ngành nhựa Việt Nam" sáng 14.8 ở TP.HCM, nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết họ đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì thiếu nguyên liệu đầu vào là nhựa tái chế.

Sở dĩ các doanh nghiệp (DN) cần nhựa tái chế vì vấn đề môi trường được coi là một thông số quan trọng từ sản xuất đưa ra thị trường. Hiện nhiều đơn vị đặt hàng bắt buộc một tỷ lệ rất cao nguyên liệu nhựa của sản phẩm phải là nhựa tái chế thì mới vượt qua các khâu tiêu chuẩn chất lượng.Để có nhựa tái chế làm nguyên liệu thì các doanh nghiệp phải nhập. Điều này có vẻ như nghịch lý trong lúc chúng ta thấy nhựa phế liệu ở khắp nơi trong các hang cùng ngõ hẻm các đô thị. Vấn đề nằm ở chỗ khâu xử lý phân loại ráccó hiệu suất khá thấp nên không cung cấp đủ cho các doanh nghiệp.

"TP.HCM thải ra khoảng 900 tấn nhựa mỗi ngày nhưng chỉ mới thu gom tái chế bằng tất cả các kênh từ doanh nghiệp đến ve chai chỉ 90 tấn. Sản lượng ít và chất lượng kém vì rất bẩn do bị trộn vào rác sinh hoạt. Nó không đủ để các nhà máy nhựa vận hành và không đạt chuẩn sản xuất xuất khẩu", ông Hoàng Phi Vũ - giám đốc một công ty sản xuất nhựa tái chế cho biết.

Tuy nhiên, việc nhập nhựa tái chế từ nước ngoài cũng đang gặp những rào cản. Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) xác nhận những khó khăn hiện tại xuất phát từ vụ hơn 5.000 container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng và Cát Lái. Trong đó, riêng cảng Cát Lái tính đến ngày 26.8 còn 4.480 container, tương đương 70.000 tấn nhựa. Con số này quá cao nếu so với số liệu VPA cho biết trong cảnăm 2017, nhựa phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 90.000 tấn. Việc tồn đọng này không chỉ khiến DN thiếu nguyên liệu đầu và mà họ còn phải trả phí kho bãi rất cao.

Có nhiều lý do khiến lượng nhựa tái chế (mà các DN nhựa coi là nguyên liệu sản xuất) tại các cảng ùn ứ. Nhưng rào cản mà các DN nhựa thấy khó thở nhất là QCVN 32 của Bộ Tài nguyên - Môi trường. "Hai tiêu chí của QCVN 32 là nhựa phế liệu phải sạch và tạp chất không quá 2%. Sạch là một khái niệm ước lệ khó đo đếm. Con số 2% là con số đánh đố bởi, thực chất khó có thể tách tạp chất trong lô hàng ra để cân đo 1% hay 2% hoặc 3%”, PGS Đinh Xuân Thắng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng môi trường Hoa Lư nói.

Ngoài ra, VPA cũng than khó với công văn số 4202 do Tổng cục Hải quan ban hành ngày 17.7. VPA nêu ví dụ hàng đã qua sử dụng vẫn còn công năng sử dụng như bao tải cẩu bằng nhựa (bao một tấn), màng nhựa là mặt hàng sạch đẹp, đã được phân loại đồng nhất, sử dụng trong việc đóng gói và làm màng phủ trong nông nghiệp. Mặt hàng không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu của Bộ Công Thương, doanh nghiệp được quyền kinh doanh. Thực tế DN vẫn nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng này trong những năm qua. Nhưng theo văn bản số 4202 của Tổng cục Hải quan, hải quan các cảng không thể tiếp tục thông quan được các mặt hàng này.

Trong nhiều kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc nhập nguyên liệu, VPA đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường xem xét mở rộng quy chuẩn VNQC32 nhằm mục đích tận dụng nguồn nguyên liệu và tránh tồn cảng trong tương lai khi lô hàng nhập có lẫn các loại nhựa này.

Đồng thời, VPA kiến nghị Tổng cục Hải quan xem lại tính hợp lý củavăn bản số 4202 đã ban hành còn Chi cục Hải quan các tỉnh thành cần thống nhất thực hiện kiểm soát thông quan mặt hàng NPL theo nghị định 38/2015/NĐ-CP của thủ tướng, thông tư 41/2015/TT-BTNMT củaBộ Tài nguyên - Môi trường.

Anh Tú

Anh Tú