VCCI kiến nghị bỏ nhiều điều kiện kinh doanh lĩnh vực thông tin - truyền thông
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:05, 15/08/2018
Can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp
Cụ thể, VCCI đề cập đến các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (bao gồm Giấy phép Thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông) theo quy định tại Luật Viễn thông, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 81/2016/NĐ-CP.
Trong đó, VCCI cho rằng quy định “có đủ khả năng tài chính, bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án” là chưa rõ về mục tiêu quản lý. Nếu nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh/hoạt động của doanh nghiệp thì là mục tiêu chưa phù hợp với quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại điều 7 Luật Đầu tư 2014.
Mặt khác, điều kiện này chưa đảm bảo yếu tố minh bạch vì không rõ như thế nào được cho là “đủ” khả năng tài chính, bộ máy và nhân lực.
Tương tự, với quy định “Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông”, VCCI đánh giáđiều này can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp trong quyết định các phương án kinh doanh và ít ý nghĩa vì các phương án có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến thị trường.
“Cơ quan nhà nước liệu có đủ năng lực để đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh của doanh nghiệp? Liên quan đến yếu tố quản lý về các phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giá cước, cơ quan nhà nước có thể quản lý bằng hình thức hậu kiểm thay vì quy định là điều kiện kinh doanh tại thời điểm mới gia nhập thị trường”, VCCI nêu.
Liên quan đến ngành kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, VCCI kiến nghị cân nhắc, xem xét bỏ điều kiện “có phương án kinh doanh phù hợp” (điểm d khoản 1 điều 42 Luật An toàn thông tin mạng).
Quy định này được cho là chưa rõ về mục tiêu quản lý, cũng không bảo đảm tính minh bạch bởi không rõ phương án kinh doanh thế nào được cho là phù hợphay phù hợp về điều gì?
Về tính hợp lý, theo VCCI, phương án kinh doanh của doanh nghiệp được quyết định dựa vào chiến lược kinh doanh, diễn biến của thị trường, vì vậy có thể nhiều lần thay đổi, đặc biệt là có thể thay đổi ngay sau thời điểm được cấp phép.
Với ngành nghề kinh doanh nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, VCCI đề nghị cân nhắc điều kiện “là tổ chức, doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng”; “có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động”.
Quy định này là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014 vì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh; đồng thờikhông rõ thế nào được cho là “có đủ” khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức nhân sự thế nào được cho là “phù hợp” với quy mô hoạt động. Nhà nước cũng không cần/không nên can thiệp về vấn đề này.
Trong kinh doanh nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động về cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, VCCI đề nghị bãi bỏ quy định “có phương án đảm bảo chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người chơi” vì không cần thiết, đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần/không nên can thiệp.
Cơ sở nào quy định diện tích tối thiểu trụ sở nhà xuất bản?
Trong quy định về hoạt động củanhà xuất bản, VCCI cũng cho rằng có nhiều điều kiện bất hợp lý như “trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 mét vuông sử dụng trở lên”, “có ít nhất 5 tỉ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản”.
“Không rõ cơ sở để quy định về diện tích tối thiểu của trụ sở nhà xuất bản (tại sao lại là 200 mét vuông mà không phải là con số khác?).Hơn nữa, thật khó để trả lời câu hỏi, nếu trụ sở nhà xuất bản không từ 200 mét vuông trở lên thì yếu tố quản lý nhà nước nào sẽ bị ảnh hưởng?”, VCCI đặt vấn đề.
Với hoạt động in, VCCI cho rằng Nghị định 25/2018/NĐ-CP được xem là bước cải cách rất đáng hoan nghênh trong hoạt động in. Tuy nhiên, để lĩnh vực này thực sự có bước cải cách triệt để cần bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải “có người đứng đầu là công dân Việt Nam, thường trú hợp pháp tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in”.
VCCI cho rằng, quyền tự do lựa chọn người đứng đầu, người điều hành có năng lực quản lý, trình độ chuyên môn là quyền và nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí và thời gian để người đứng đầu cơ sở in tham gia đào tạo và được cấp chứng chỉ và chi phí này được đánh giá là không hề rẻ (5.000.000 đồng/người với thời lượng thực tế của lớp học chỉ 3 ngày).
Trong khi đó, trình độ chuyên môn của người đứng đầu cơ sở in tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tự bản thân doanh nghiệp sẽ quyết định lựa chọn trình độ chuyên môn của người đứng đầu. Đứng dưới góc độ quản lý, việc người đứng đầu cơ sở in có trình độ nào thì cũng ít ảnh hưởng đến các lợi ích công cộng để buộc Nhà nước phải đặt ra các giới hạn nhất định của đối tượng này.
Mặt khác, trước thời điểm Nghị định 60 có hiệu lực, người đứng đầu của hơn 3.000 cơ sở in trong cả nước không phải ai cũng có bằng cao đẳng ngành in, tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn hoạt động hiệu quả và có tốc độ tăng trưởng khả quan.
Thu Hiền