Sếp Vinachem thừa nhận kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn được vốn nhà nước
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:19, 15/08/2018
Thông tin trên được lãnh đạo Vinachem đưa ra tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước mới đây. Đánh giá thực trạng tài chính của tập đoàn, mức độ hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn nhà nước của tập đoàn năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Phú Cường cho biết hệ số bảo toàn vốn của tập đoàn năm 2017 là 0,99 lần; ước tính 6 tháng đầu năm 2018 là 1lần; vốn chủ sở hữu năm 2017 là 13.559 tỉ đồng; ước tính 6 tháng đầu năm 2018 là 13.625 tỉ đồng; tổng tài sản năm 2017 là 20.797 tỉ đồng; ước tính 6 tháng đầu năm 2018 là 20.581 tỉ đồng; lợi nhuận năm 2017 là 287 tỉ đồng; ước tính 6 tháng đầu năm 2018 là 70 tỉ đồng.
Về tình hình hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, ông Cường thừa nhận năm 2017, Vinachem đã không bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, nguyên nhân là công ty mẹkinh doanh lỗ, chưa bảo toàn và phát triển được vốn do trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính của 4 công ty thua lỗ (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty CP DAP -Vinachem; Công ty CP DAP số 2 - Vinachem)và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp, lãnh đạo Vinachem cho biết đã hoàn thành thoái vốn, bán bớt vốn tại 13/17 doanh nghiệp năm 2016, 2017; năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 15 doanh nghiệp; năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 14 doanh nghiệp; năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 4 doanh nghiệp.
Riêng năm 2018, Vinachemtổ chức xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn tại 15 doanh nghiệp; thoái hết vốn tại các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn, hoặc không cần nắm giữ vốn để tạo nguồn thu cơ cấu lại tài chính Tập đoàn tại 19 doanh nghiệp; 7 doanh nghiệp Tập đoàn nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 9 doanh nghiệp Tập đoàn nắm giữ 36% vốn điều lệ.
"Trong số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, hoạt động kém hiệu quả thuộc ngành công thương, Vinachem có 4 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CPDAP - Vinachem, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem. Nhưng trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị đều duy trì thời gian chạy máy tốt; sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng cao; số lỗ các đơn vị giảm mạnh. Riêng DAP - Vinachem năm 2017 lãi 15 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2018 lãi 115 tỉ đồng", ông Cường cho hay.
Trước tình hình kinh doanh không mấy khả quan, ông Cường đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%; sửa Luật số 106/2016/QH13 nhằm tạo điều kiện cho phân bón sản xuất trong nước có thể xuất khẩu.
Đồng thời, ông đề nghị Chính phủ sửa đổi một loạt nghị định, thông tư nới lỏng quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón cũng như xem xét trình Quốc hội điều chỉnh thuế suất thuế GTGT đầu ra đối với thạch cao nhân tạo chế biến sản xuất trong nước từ 10% xuống 0%, điều chỉnh thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%.
Cần xem xét, kéo dài thời gian tồn trữ về việc phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao đảm bảo lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất lên thành 5 năm.
Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020, sau khi cổ phần hóa, Vinachem sẽ giảm sở hữu vốn nhà nước xuống còn 51-65% vốn điều lệ, điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ bán 49% vốn tại tập đoàn. Vinachem cũng dự kiến phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược và tăng vốn thêm 5.000 tỉ đồng nhằm cơ cấu lại một phần nợ vay và cải thiện tình hình tài chính.
Vinachem dự kiến vào quý 1 hoặc quý 2/2019 sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng qua sở giao dịch chứng khoán, đồng thời bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Vinachem sẽ niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán vào quý 4/2019.