Ông Trump tước quyền miễn trừ an ninh của cựu giám đốc CIA

Quốc tế - Ngày đăng : 16:10, 16/08/2018

Ngày 15.8 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tước quyền miễn trừ an ninh đối với cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan, với lý do phải bảo vệ bí mật quốc gia.
          

Ngày 15.8 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc  lệnh tước quyền miễn trừ an ninh đối với cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan, với lý do phải bảo vệ bí mật quốc gia.

Trong buổi họp báo, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đọc lệnh của ông Trump, trong đó nêu ông có quyền lãnh đạo hành pháp và tổng tư lệnh quân đội Mỹ, chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật quốc gia gồm kiểm soát quyền tiếp cận bí mật quốc gia.

Và để hoàn thành trách nhiệm này, ông Trump quyết định tước quyền miễn trừ an ninh của ông Brennan, vì “ông ấy lợi dụng nó để đưa ra nhiều cáo buộc vô căn cứ và quá đáng đối với chính phủ này, nói láo và có các hành vi nguy hiểm”.

Sắc lệnh còn nói “cần đặt dấu hỏi về tính khách quan và uy tín” của ông Brennan, một người thường công khai chỉ trích ông Trump và từng có 30 năm hoạt động tình báo CIA dưới 4 thời Tổng thống Mỹ, trước khi lãnh đạo CIA thời Tổng thống Barack Obama.  

Bà Sanders bác những gợi ý của nhiều nhà báo cho rằng Tổng thống Trump muốn trừng phạt các cựu quan chức, chỉ vì họ thực thi quyền tự do ngôn luận khi chỉ trích ông. Bà nói quyết định của Tổng thống là “bảo vệ bí mật quốc gia”.

“Ông Trump lạm quyền hành pháp để trả thù cá nhân”

Với lệnh trên, ông Trump bị xem là dùng quyền hành pháp của Tổng thống Mỹ để “trả thù cá nhân”. Theo Newsweek, bà Sanders không hề trưng bằng chứng ông Brennan lạm dụng “bí mật quốc gia”,  dù ông là người công kích ông Trump nhiều nhất.

Ông Brennan không chỉ chê trách giọng điệu, thái độ của ông Trump, mà còn chỉ trích các chính sách của Tổng thống Mỹ, như quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận chống thay đổi thời tiết Paris 2015 và Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông còn nghi ngờ chuyện đàm phán giữa ông Trump với lãnh đạo CHDCND Kim Jong-un. Sau  khi ông Trump có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16.7 ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, ông về Mỹ và hứng chịu làn sóng chỉ trích trong nước, rằng tại cuộc họp báo chung, ông đã không buộc trách nhiệm đối với ông Putin về vụ Nga  can thiệp bầu cử tổng thống 2016, và ông còn xem thường các kết luận về vụ này của các cơ quan tình báo Mỹ.

Tổng thống Trump ký một sắc lệnh hành pháp - Ảnh : AP

Ông Trump còn bị nhận xét là “về phe” với lời phủ nhận của ông Putin rằng Nga không can thiệp. Ông Brennan viết bóng gió trong Twitter rằng có thể luận tội Tổng thống Mỹ vì cách hành xử của ông Trump “không khác gì phản quốc”.

Quyền miễn trừ an ninh (security clearance) là quyền được tiếp cận các thông tin mật quốc gia hoặc ra vào những khu vực hạn chế. Nhiều quan chức Mỹ vẫn được hưởng quyền này sau khi rời chính phủ, bởi họ có thể tiếp tục giữ vai trò cố vấn. Nhiều cựu quan chức có quyền này cũng không thường xuyên sử dụng chúng.

Cựu lãnh đạo tình báo và  cơ quan bảo vệ pháp luật Mỹ vẫn được phép tiếp cận thông tin mật, vì họ có chuyên môn và có thể tư vấn cho các quan chức kế nhiệm về một số vấn đề an ninh quốc gia.

Ông Brennan không hề đối mặt với tội danh hoặc cáo buộc vi phạm pháp luật nào. Ngược với cựu giám đốc CIA John Deutch bị tước quyền miễn trừ an ninh năm 1999, tức 3 năm sau khi ông từ chức vì vi phạm quy định an ninh khi lưu thông tin mật trong máy điện toán ở nhà riêng.

Ned Price, cựu chuyên viên phân tích CIA (từ năm 2006 đến 2017) và từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Barack Obama, nói: “Lần đầu tiên Tổng thống Mỹ quyết tước quyền miễn trừ an ninh, trên cơ sở một chỉ trích mới nhất của ông Brennan hôm 14.8”, sau khi ông Trump gọi cựu trợ lý Nhà Trắng Omarosa Manigault Newman là “con mọi đen chó cái hạ cấp”, vì người phụ nữ da màu này viết sách cáo buộc ông Trump kỳ thị màu da và suy nhược thần kinh.

Phản ứng trước lệnh của ông Trump, ông Brennan cùng nhiều người ủng hộ nói lệnh của Tổng thống Mỹ  “nhằm đàn áp tự do ngôn luận” và “trừng phạt người chỉ trích” ông Trump.

Ông Brennan viết Twitter: “Trump là kẻ thù của nhân dân Mỹ. Quyết định đó rất đáng lo cho toàn thể dân Mỹ, gồm giới tình báo, về cái giá phải trả của sự lên tiếng. Các nguyên tắc của tôi có giá trị hơn cả quyền miễn trừ an ninh. Tôi sẽ không giảm sự phê phán”.

Ông còn nói lệnh này là “lạm quyền”, khi trả lời phỏng vấn của hãng tin MSNBC và so sánh lệnh này với “hành vi của những bạo chúa độc tài nước ngoài” .

 “Lệnh của Tổng thống kỳ quái, thể hiện phong cách lãnh đạo độc tài”...

Việc ông Trump tước quyền miễn trừ an ninh của ông Brennan đã bị đánh giá là một động thái “nhỏ mọn“ chưa từng có tiền lệ.

Cựu Phó giám đốc CIA John McLaughlin (thời Tổng thống George Bush) cho biết quyền này chỉ bị tước, khi quan chức hay cựu quan chức có sai phạm về vấn đề an ninh, và thường phải trải qua một cuộc điều tra mới có thể bị tước quyền này.

Ông McLaughlin nói lệnh của ông Trump “kỳ quái” và ông nói với MSNBC, rằng “nó cho thấy một thái độ độc tài trong phong cách lãnh đạo của ông Trump”.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ lập tức chỉ trích lệnh của ông Trump. Thủ lĩnh phe thiểu số ở Hạ viện, bà  Nancy Pelosi nói ông Trump lạm quyền, âm mưu đánh lạc sự chú ý khỏi các tai tiếng của ông.

Nghị sĩ Adam Schiff, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, nói ông Trump lại “cho thấy ông ấy rất bất an và ưa trả thù, vốn là hai sai lầm nguy hiểm của bất kỳ tổng thống nào ”, đồng thời lên án việc Tổng thống Trump lập “danh sách kẻ thù” (6 cựu quan chức thời Obama) là hành động “xấu xí, phi dân chủ”.

Thượng nghị sĩ Mazie Hirono so sánh việc tước quyền miễn trừ an ninh của những người chỉ trích chính phủ với "chủ nghĩa toàn trị".

Thượng nghị sĩ Mark Warner, một thành viên Ủy ban tình báo Thượng viện, chỉ trích đây là hành động vô lý, nhằm đánh chặn các chỉ trích của các quan chức có thể có trong tương lai.

Ông Warner còn nói quyết định của ông Trump “rõ ràng nhằm đánh lạc sự chú ý”“ vào những tai tiếng khác mà Nhà Trắng đang đối mặt, gồm cựu trưởng ban tranh cử Paul Manafort đang bị xét xử tội gian lận thuế và lừa đảo ngân hàng.

Ông nhấn mạnh: “Chính trị hóa việc bảo vệ bí mật quốc gia chỉ để trừng phạt người chỉ trích tổng thống là một tiền lệ nguy hiểm”.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Rand Paul hoan nghênh lệnh của ông Trump, và ông từ lâu đã muốn ông Trump tước quyền của ông Brennan: “Hành vi trong và ngoài chính phủ cho thấy tại sao ông ấy không nên được đến gần bí mật quốc gia. Ông ta báo cáo láo với Quốc hội, tranh thủ kiếm tiền và tỏ quan điểm chính trị khi sử dụng quyền sau khi thôi việc”.

Một số nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa với ông Trump cũng chỉ trích lệnh của Tổng thống Mỹ, nhưng vài người cũng nói ông Brennan “quá đáng” trong các chỉ trích nhắm vào Tổng thống Mỹ.

Danh sách bị tước quyền miễn trừ an ninh sẽ còn dài

Lệnh tước quyền của ông Brennan đến quá nhanh, chưa đầy một tháng sau khi Nhà Trắng hôm 23.7 tuyên bố sẽ xem xét lại quyền này. Lúc đó, bà Sanders cho biết ông Trump cũng đang cân nhắc tước quyền đối với 6 cựu quan chức tình báo, thực thi pháp luật và an ninh quốc gia thời Obama.

Ngoài ông Brennan còn có cựu Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Michael Hayden, cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, cựu Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (DNI) James Clapper, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Susan Rice và cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp Sally Yates.

Lúc đó, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói với nhà báo: “Tôi nghĩ ông Trump chỉ trêu chọc người ta thôi”. Ngày 15.8, người phát ngôn của ông Ryan từ chối bình luận. Bà Sander nói ông Trump vẫn đang xem xét danh sách bị tước quyền.  

Ông Hayden khẳng định dù có quyền miễn trừ an ninh hay không, ông vẫn sẽ viết và nói bất cứ điều gì ông muốn.

Ông Clapper nói sẽ tiếp tục lên tiếng dù mất quyền miễn trừ an ninh, và vài mục tiêu của ông Trump đã từ bỏ quyền này sau khi thôi chức.

Một người bạn của ông Comey cho biết ông đã bị tước quyền miễn trừ an ninh từ trước đó. Ông Comey từng khẩu chiến với Tổng thống Trump xoay quanh nội dung quyển hồi ký mà ông ví ông Trump như “trùm mafia”.

Ngoài ra, quyền miễn trừ an ninh cũng có thể bị tước khỏi các quan chức FBI và Bộ Tư pháp Mỹ tham gia cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016, và nghi án nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với người Nga. Hai cuộc điều tra này hiện dưới quyền giám sát của Công tố viên đặc biệt Robert Muller.

Trong danh sách bị xét tước quyền có hai cựu đặc vụ FBI Peter Strzok và Lisa Page. Strzok bị đuổi việc tuần trước, sau khi ông gởi các tin nhắn chống ông Trump cho người tình Page (đã nghỉ làm việc cho FBI từ đầu năm nay).

Bruce Ohr, một quan chức Bộ Tư pháp cũng bị đưa vào danh sách. Người ủng hộ ông Trump nói Ohr đã liên hệ với cựu điệp viên Anh Christopher Steele, người đã lập hồ sơ cáo buộc mối quan hệ giữa ông Trump với người Nga.

Trung Trực (theo Guardian, Reuters)

   

Trần Trí